Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 do Chính phủ tổ chức sáng 26-9.

Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 do Chính phủ tổ chức sáng 26-9.

Tham dự hội nghị này có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đâu là nguyên nhân?

“Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế. Tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay mà nhiều năm qua nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt hơn 192.000 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA đều đạt thấp. Có đến 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 30%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình nghiêm khắc nhiều bộ, ngành và địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trên lĩnh vực xây dựng cơ bản trong thời gian qua, như: Bộ Y tế có nhiều công trình dở dang, điển hình là dự án Bệnh viện Bạch Mai; hay như tỉnh Đồng Nai với dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đã được bố trí vốn hơn 11.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân chỉ có khoảng 300 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoach – Đầu tư, nguyên nhân khách quan đầu tiên của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là do gặp phải một số vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật. Đơn cử như cơ chế lập, giao kế hoạch đầu tư công hàng năm còn thiếu linh hoạt; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Kế hoạch – Đầu tư theo quy định tại Điều 75 Luật Đầu tư công. Đối với cấp địa phương, nhiều trường hợp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cần phải báo cáo HĐND, trong khi đó, việc tổ chức họp HĐND bất thường đòi hỏi mất nhiều thời gian tổ chức. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn nhiều bất cập liên quan đến thẩm định thiết kế, định mức đơn giá xây dựng chậm được cập nhật; một số trường hợp dự án chuẩn bị được phê duyệt quyết định đầu tư nhưng do vướng điều chỉnh quy hoạch đất đai của địa phương nên phải dừng lại chờ phê duyệt quy hoạch xong mới triển khai được bước phê duyệt quyết định đầu tư...

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho rằng, vào mùa mưa lũ, tiến độ thi công các công trình, dự án bị ảnh hưởng, trong đó, có nhiều công trình, dự án bị đình trệ (nhất là ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long,...), không thể thực hiện nên dẫn đến không có khối lượng để thanh toán, giải ngân vốn đầu tư...

Từ thực tiễn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu thêm một nguyên nhân khách quan nữa là do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nhất là các khu vực thiếu đất tái định cư; bên cạnh đó, do giá đất thị trường ở một số thời điểm tăng đột biến làm ảnh hưởng đến công tác vận động giải tỏa, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư vốn chưa sát với khả năng thực hiện của từng dự án, công trình đã dẫn đến không phân bổ hết được số vốn kế hoạch năm 2019 đã được Quốc hội quyết định và Chính phủ giao; công tác giao kế hoạch vốn chậm chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ của các dự án; nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo kiên quyết trong việc triển khai thực hiện công trình, dự án...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thực hiện thủ tục hạch toán thu hồi vốn ứng trước vào số giải ngân kế hoạch vốn năm; chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được kế hoạch vốn giao; một số dự án chậm tiến độ giải ngân do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao,...

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, việc phân công, phân cấp, phân quyền điều hành, quản lý dự án còn chồng chéo, qua trung gian; ở một số nơi, một số CBCC, VC thực thi nhiệm vụ này có biểu hiện có lợi cho mình mới làm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đầu tư công là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng, phát triển KT-XH của đất nước, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho các ngành, địa phương khó khăn. Thủ tướng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị đã nêu lên được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong thời gian đến tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cho các công trình trọng điểm quốc gia nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình; các bộ, ngành, địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019 và cả năm 2020. Trước tháng 10-2019, Bộ Kế hoạch – Đầu tư phải hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo giao hết vốn đầu tư công năm 2019 trên tinh thần các bộ, ngành, địa phương nào “tiêu không hết tiền” là điều chỉnh vốn; Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải ngân vốn đầu tư công; các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền điều hành, quản lý dự án đi đôi với việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh giải ngân vốn, tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, tiêu cực, nhũng nhiễu, lãng phí trong công tác giải ngân vốn đầu tư công...

“Đặc biệt, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như triển khai các dự án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân; công khai và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chậm trễ giao vốn, bố trí vốn, chậm triển khai dự án đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm.

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_213287_quyet-liet-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-dau-tu-cong.aspx