Rối như giấy đi đường

Thông tin được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm, bàn luận, phản biện trong hai ngày cuối tuần qua là họ sẽ lưu thông như thế nào khi thành phố Hà Nội ban hành quy định về việc cấp giấy đi đường mới.

Không chỉ Hà Nội, người dân, doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác cũng luôn theo dõi sát sao địa phương mình, hay địa phương liên quan đến việc lưu thông của mình có thay đổi quy định về việc đi lại hay không. Riêng các doanh nghiệp thì họ xoay như chong chóng trong việc chạy theo thủ tục, giấy tờ vì nó liên quan trực tiếp đến việc đưa ra kế hoạch bảo đảm sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Cán bộ một ngân hàng thương mại có trụ sở trên phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ngân hàng họp đến 22 giờ ngày thứ bảy để tính toán các biện pháp thực hiện quy định theo chỉ thị mới của thành phố, trong đó trọng tâm là thành phố siết chặt việc đi lại. Phương án cuối cùng được chốt là điều chỉnh một số chỉ tiêu, chỉ đi làm với 30% quân số, một bộ phận thực hiện “3 tại chỗ” dù khó khăn. Tuy vậy, đến tối chủ nhật (5-9), ngân hàng vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy đi đường mới cho tổ chức tín dụng...

Lực lượng chức năng phân làn xe máy, ô tô để thuận tiện kiểm soát phương tiện đi lại, tránh gây ùn tắc giao thông. Ảnh: QĐND

Lực lượng chức năng phân làn xe máy, ô tô để thuận tiện kiểm soát phương tiện đi lại, tránh gây ùn tắc giao thông. Ảnh: QĐND

Vì sao người dân hay doanh nghiệp phải theo dõi nhất cử nhất động từng yêu cầu trong quy định về việc đi lại này? Câu trả lời là, vì nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống, đến cơm áo gạo tiền, đến công việc làm ăn của họ. Giám đốc một doanh nghiệp từng phát biểu rằng: "Với việc kinh doanh hàng tươi sống như doanh nghiệp chúng tôi, thì phần lưu thông phải có kế hoạch chi tiết đến từng giờ, chứ không thể tính theo ngày”. Trường hợp lưu thông mà bế tắc, xuất nhập hàng hóa trục trặc, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc bị kiện, bị phạt hợp đồng. Hệ lụy xấu nhất là đối tác hủy giao dịch, hủy hợp đồng, người lao động mất việc.

Việc các địa phương siết chặt các quy định, trong đó có quy định đi lại để phòng, chống dịch là phù hợp với thực tiễn và được đa số người dân ủng hộ. Tuy vậy, dư luận rất băn khoăn đến thời điểm ban hành và tính khả thi khi thực hiện. Trước mỗi vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội thì nó không đơn thuần là một quyết định hành chính mà phải coi đây là một chính sách vì có sự tác động, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Chính sách ấy cần được xây dựng chặt chẽ, khoa học, có lộ trình phù hợp. Trên thực tế, thời gian qua, có những địa phương ban hành các quyết định vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng lại yêu cầu thực hiện ngay vào ngày đầu tuần mà chưa lường hết những khó khăn, bất cập. Một đại biểu Quốc hội đã từng lên tiếng rằng: Cuối tuần ra quy định, đầu tuần có hiệu lực ngay khiến người dân không kịp xoay xở, họ phải có thời gian chuẩn bị giấy tờ, xin xác nhận, những việc mà có khi một, hai ngày làm chưa xong.

Việc quy định thay đổi giấy đi đường như các địa phương ban hành thời gian qua hoàn toàn có thể dự kiến trước và thông tin sớm đến công chúng để người dân, doanh nghiệp không bị động, có thời gian chuẩn bị. Tình hình dịch ở mỗi tỉnh, thành phố được thông tin hằng ngày trên các phương tiện truyền thông. Địa phương nếu muốn ban hành các quy định hay chính sách mới (đơn cử như vấn đề đi lại) thì có thể chủ động họp bàn, dự kiến sớm phương án để lắng nghe phản biện từ dư luận chứ không nên để dư luận cứ thắc thỏm, suy đoán về các quyết định của mình. Người dân chỉ thực sự tin tưởng, hợp tác và chấp hành tốt nhất các chủ trương, chính sách khi họ được thông tin chuẩn xác, chính thống và sớm nhất. Muốn làm được thế, đòi hỏi công tác tham mưu chính sách phải chuẩn xác, chu đáo, chặt chẽ, tính đến tất cả các yếu tố có lợi và bất cập. Người tham mưu chính sách phải rất hiểu cơ sở, đặt mình vào vị trí của chính người thực hiện thì chính sách đó mới đi vào cuộc sống.

Ai cũng hiểu cái khó và quyết tâm của các địa phương là mong muốn nhanh chóng khống chế được dịch. Dù vậy, trong cái khó ấy, các địa phương phải tính toán thấu đáo những giải pháp, quyết liệt nhưng linh hoạt, sáng tạo và tuân thủ quy định theo đúng nhiệm vụ được giao, không đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các địa phương trong phòng, chống dịch không được “đẻ thêm giấy phép con”. Tinh thần ấy rất cần được quán triệt nghiêm túc.

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/roi-nhu-giay-di-duong-670566