Rủi ro trái phiếu vẫn hiện hữu

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đang xuất hiện nhiều đơn vị có tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đặc điểm này đã được VIS Ratings nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây. Theo đó, VIS Ratings cho biết có đến 55% tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức 'Dưới trung bình' hoặc thấp hơn, thuộc nhóm Bất động sản Nhà ở và Xây dựng. Hơn nửa số tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm yếu là các công ty mới thành lập, không có hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cái tên đầu tiên có thể kể đến là CTCP Dịch vụ Quản lý Tài sản Việt Nam (VPMS), vào ngày 22/11 đã huy động thành công lô trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng, mã VPMCH2431001. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Asean. Lô trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành là 10%/năm.

Lô trái phiếu này được VPMS sử dụng với mục đích góp vốn hợp tác kinh doanh với CTCP Phát triển Golf Thiên Đường (Golf Thiên Đường) để phát triển dự án Paradise Golf tại Hà Nam. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu cũng chính là dự án Paradise Golf.

Thành lập vào năm 2021, vốn điều lệ ban đầu của VPMS vỏn vẹn 8,9 tỷ đồng. Đến ngày 24/10, trước thời điểm hoàn tất phát hành trái phiếu khoảng 1 tháng, VPMS tăng vốn điều lệ lên 310 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa dư nợ trái phiếu mà VPMS phát hành cao gấp 5,5 lần vốn điều lệ công ty.

Một trường hợp đáng chú ý khác là CTCP Phát triển Tổng hợp Hưng Thịnh Phát (Hưng Thịnh Phát) đã huy động thành công 2.888 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 31/12/2023 đến 6/3/2024. Lô trái phiếu có kỳ hạn 4 năm. Tổ chức phát hành này mới thành lập vào tháng 10/2021 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, công ty tăng vốn lên 940 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông tiếp tục có sự xáo trộn. Cụ thể, các cá nhân góp vốn tại công ty gồm: Ông Lâm Kỳ Diệu (2,23%), bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (0,96%), ông Nguyễn Đình Ngọc (45,74%), ông Lê Khởi (4,26%) và bà Nguyễn Thị Anh Thư (46,81%). Tính toán cho thấy tổng dư nợ trái phiếu gấp hơn 3 lần vốn điều lệ công ty.

Hoặc đáng chú ý nhất là CTCP Đầu tư phát triển Bất động sản TMT (BĐS TMT) với vốn điều lệ đạt 360 tỷ đồng (thời điểm tháng 6/2023). Vào giữa năm 2023, BĐS TMT huy động thành 2.015 tỷ đồng trái phiếu mã TMTCH2330001. Như vậy, tỷ lệ trái phiếu phát hành/vốn điều lệ công ty lên đến mức 5,6 lần. Chưa kể, lô trái phiếu này có lãi suất rất cao, lên đến 14%/năm.

Việc dư nợ trái phiếu vượt gấp nhiều lần so với vốn điều lệ chưa hẳn là chỉ báo đáng lo ngại, miễn là nền tảng tài chính của tổ chức phát hành đảm bảo việc có lãi, dòng tiền kinh doanh dương. Đặc biệt, ở nhóm địa ốc, các lô tài sản đảm bảo với pháp lý dự án đầy đủ cũng là bằng chứng quan trọng cho các đợt phát hành trái phiếu.

Các yếu tố quan trọng là các tổ chức phát hành cần tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành

Các yếu tố quan trọng là các tổ chức phát hành cần tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành

Ở trường hợp VPMS, lợi nhuận trước thuế và trước khấu hao (EBITDA) của công ty trong năm 2022 và 2023 lần lượt đạt vỏn vẹn 4 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Công ty xếp hạng tín nhiệm nhìn nhận trong bối cảnh doanh thu từ dịch vụ bất động sản chưa có đóng góp đáng kể, áp lực từ việc bán hàng và huy động vốn từ khách hàng của dự án Paradise Golf là rất lớn. Trong trường hợp tiến độ triển khai xây dựng cũng như bán hàng không như kỳ vọng, VPMS sẽ phải chịu rủi ro tái cấp vốn lớn trong suốt quá trình phát triển dự án để đảm bảo khả năng trả nợ.

Đáng chú ý, đối với Hưng Thịnh Phát và BĐS TMT, hai doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2024 lần lượt báo lỗ 3,22 tỷ đồng và 141,2 tỷ đồng.

Kinh doanh chưa có lời, áp lực nợ vay cao sẽ là rủi ro lớn với các tổ chức phát hành này trong việc trả nợ gốc/lãi cho trái chủ nếu họ không quản trị rủi ro tốt.

Rõ ràng, trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn là nỗi lo với cả thị trường. Theo số liệu của VIS Ratings, tháng 11/2024 có 43 trái phiếu chậm trả gốc/lãi lần đầu, với tổng giá trị là 23.200 tỷ đồng. Con số này đã giảm đáng kể so với 369 trái phiếu chậm trả gốc/lãi với tổng giá trị là 144.300 tỷ đồng trong năm 2023.

Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 11/2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%, trong khi đó Bất động sản Nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Theo VIS Ratings, đáng chú ý là 15 trong số 51 trái phiếu đáo hạn trong tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Hầu hết những trái phiếu này đã chậm trả lãi trước đó. Bên cạnh đó, 30% số trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc, cao hơn so với tỷ lệ 20% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 11 tháng đầu năm 2024.

Trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 105 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành Bất động sản Nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, ước tính có khoảng 21 nghìn tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng. Số liệu thống kê của các cơ quan nghiên cứu cho thấy, nhiều quốc gia phát triển có thị trường trái phiếu đạt quy mô 50-70% GDP. Trong khi đó, Việt Nam tới cuối tháng 3/2024 có chưa tới 10% GDP.

Theo nhiều chuyên gia, để hướng tới thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển bền vững, đóng vai trò kênh huy động vốn, một trong các yếu tố quan trọng là chính các tổ chức phát hành cần ý thức cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành.

Đức Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/rui-ro-trai-phieu-van-hien-huu-158589.html