Sa thải ngay với người quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Đó là một trong những quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Người lao động có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một công ty chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Nguyễn Hòa

Người lao động có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một công ty chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Nguyễn Hòa

Bộ luật Lao động mới quy định, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

* Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Ông Phạm Đình Đức, hòa giải viên lao động Sở LĐ-TBXH giải thích, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm hành vi mang tính thể chất như: hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục. Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm: lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục. Quấy rối tình dục phi lời nói gồm: ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động (NLĐ) được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối tình dục và NLĐ sẽ bị sa thải nếu có hành vi quấy rối tình dục người khác tại nơi làm việc.

Theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho NLĐ. Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng quy định NLĐ có nghĩa vụ: thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Do đó, theo hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức, để xử lý được hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải đưa nội dung này vào trong nội quy lao động và nội quy đó phải được sự thống nhất giữa người sử dụng lao động với tổ chức đại diện của NLĐ khi ban hành.

* Cần có hướng dẫn cụ thể

Tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Riêng Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan tới hành vi quấy rối tình dục thì có các hình thức chế tài hình sự đối với các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, làm nhục người khác…

Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức phân tích, tuy pháp luật đã có các quy định nêu trên nhưng hiện tại pháp luật chưa quy định cụ thể về xử lý kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc một cách chi tiết như: hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đến mức nào mới bị sa thải hoặc bị phạt tiền hay các hình thức kỷ luật lao động khác ra sao. Do đó, trong thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để luật đi vào cuộc sống khả thi hơn.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) phân tích, quấy rối tình dục quy định tại Khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019 có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như: đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có quy định cụ thể, chi tiết, tương ứng với từng hành vi, dạng quấy rối để xử lý hành chính, kỷ luật lao động phù hợp.

“Đây cũng chính là vấn đề xã hội, NLĐ, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn quan tâm trong công tác phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 vừa có hiệu lực” - luật sư Lê Tấn Tý cho hay.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202101/sa-thai-ngay-voi-nguoi-quay-roi-tinh-duc-tai-noi-lam-viec-3037941/