Sắc xuân làng gốm

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác trên địa bàn, làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên) chẳng hề thảnh thơi, các lò luôn đỏ lửa mỗi độ Tết đến Xuân về. Cùng với việc đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng dịp cuối năm, các nghệ nhân, thợ lành nghề nơi đây muốn thổi hồn mình vào từng sản phẩm, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc đến mọi người, mọi nhà.

Những nghệ nhân, người thợ làng gốm Hương Canh vẫn bền bỉ khôi phục và thổi luồng gió mới cho làng nghề. Ảnh: Thế Hùng

Những nghệ nhân, người thợ làng gốm Hương Canh vẫn bền bỉ khôi phục và thổi luồng gió mới cho làng nghề. Ảnh: Thế Hùng

Chiều cuối đông mưa phùn, chúng tôi trở lại thị trấn Hương Canh. Làng gốm hôm nay không còn hưng thịnh như xưa, nhưng những nếp nhà, bức tường, ô cửa sổ, mái đình nơi đây vẫn lưu giữ bản sắc riêng, dấu ấn đặc trưng của nghề gốm. Cuối năm, không khí lao động của các hộ làm nghề vẫn tất bật, nhộn nhịp.

Dừng chân tại con ngõ nhỏ, vợ chồng nghệ nhân Trần Văn Hải - một trong những nghệ nhân cao tuổi của làng gốm còn nặng lòng với nghề vẫn đang say sưa, miệt mài “thổi hồn” vào từng thớ đất để tạo nên những tác phẩm mang đậm sắc Xuân cung cấp cho khách hàng vào dịp Tết.

Dừng tay nhấp chén trà nóng, ông Hải chia sẻ: Cuối năm, khách hàng chủ yếu chọn mua chum, vại, chĩnh rượu, bình hoa nên gia đình dồn hết nhân lực, tập trung hoàn tất các lô hàng kịp giao trước Tết. Khác với gốm Bát Tràng, Thổ Hà hay Phủ Lãng, gốm Hương Canh có vẻ đẹp riêng, đặc trưng của vùng, chống sự thẩm thấu, ngăn được ánh sáng và giữ bền hương vị.

Ví như khi pha trà thì giữ được nhiệt độ rất lâu, đựng rượu không bị hả, ngày mùa người dân để hạt giống trong chum, vại khi đem đi gieo trăm hạt nảy mầm cả trăm. Cũng nhờ đó mà càng cận Tết lượng khách hàng đến thăm quan, đặt mua hàng càng đông, khiến làng nghề trở lên nhộn nhịp, hối hả hơn.

Với nguyên liệu chính là đất sét xanh, đất sét nâu của vùng, dưới bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề, kết hợp lửa nung thủ công… sản phẩm gốm sành Hương Canh nức tiếng gần xa với câu ca: “Xứ Móng Cái, Vại Hương Canh” hay “Ai về mua vại Hương Canh/Ai lên mình gửi cho anh với nàng” (thơ Tố Hữu).

Những năm 1950 - 1971 được cho là giai đoạn hưng thịnh nhất của làng gốm. Với sự ra đời của Hợp tác xã gốm, nghề gốm nơi đây phát triển mạnh mẽ. Khi ấy, gốm Hương Canh có mặt ở khắp các tỉnh, thành, nổi tiếng khắp xứ kinh Bắc, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Năm 2006, làng gốm Hương Canh là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Sản phẩm gốm Hương Canh đã từng được xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc… được tặng Bằng khen “Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam” bởi sự độc đáo về màu sắc, đẹp về mẫu mã.

Trải qua thăng trầm của thời gian, làng gốm hôm nay không còn hưng thịnh như trước, thế nhưng, nghề gốm vẫn lưu giữ những nét tinh túy từ đời xưa truyền lại. Số ít nghệ nhân, thợ lành nghề trong làng vẫn bền bỉ tiếp sức, khôi phục và thổi luồng gió mới cho nghề gốm Hương Canh.

Trong đó phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang, con trai của nghệ nhân Giang Thị Nhạn. Làm quen với đất sét từ năm 6 tuổi, được đào tạo bài bản 5 năm tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khoa điêu khắc, những năm qua, với đôi bàn tay tài hoa cộng sự sáng tạo, anh Quang đã "hô biến" chất đất, chất nước quê nhà thành những tác phẩm gốm sành nghệ thuật độc bản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Anh Quang chia sẻ: Mảnh đất Hương Canh được trời phú cho một chất đất trầm tích lắng đọng tự nhiên là đất sét xanh và đất sét nâu. Chất đất ấy dưới đôi bàn tay tài hoa, sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề kết hợp lò nung thủ công tạo nên sản phẩm gốm đơn sắc (màu tự thân) vừa gân guốc lại vừa khỏe khoắn mà rất bắt mắt.

Chẳng thế mà không ít khách hàng trong và ngoài nước cứ mê mẩn với những chiếc chum, vại, lọ chè, bình hoa rất mộc mạc và giản dị của làng gốm. Tuy nhiên, không phải ai cũng sản xuất được gốm mỹ nghệ, bởi ngoài sự hiểu biết về gốm, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, sáng tạo nghệ thuật.

Sau công đoạn chuốt, tạo hình, hoa văn, để ra được một mẻ gốm trung bình khoảng 170 sản phẩm phải mất từ 10-12 ngày nếu thời tiết ủng hộ. Trong đó, mỗi sản phẩm là một sự tạo hình, trang trí khác nhau theo nhu cầu của nhiều khách hàng, hầu như không có sự trùng lặp.

Quá trình nung phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để có màu gốm, sành ưng ý, sản phẩm không nứt, vỡ. Chính vì thế, càng cận Tết, người làng nghề lại càng hối hả. Có thời điểm, nhiều đơn hàng, gia đình phải thuê thêm lao động thời vụ để đảm bảo tiến độ giao trước Tết.

Một mùa xuân mới lại về, mang theo bao niềm tin, hy vọng. Người dân làng gốm Hương Canh luôn mong muốn các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, quy hoạch làng nghề tập trung; hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân, thợ lành nghề tiếp tục gìn giữ, khôi phục và phát triển làng nghề; tạo điều kiện giúp các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận vốn vay mở rộng quy mô sản xuất… để sản phẩm gốm sành Hương Canh tiếp tục vững bước trên các “sân chơi” mới trong mùa Xuân tới.

Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73375/sac-xuan-lang-gom.html