Sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng: 488 khách hàng mua căn hộ nhưng không được cấp sổ đỏ

Liên quan tới vụ án sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/500, khiến cho 488 khách hàng mua căn hộ nhưng không được cấp sổ đỏ, bị can Lê Thanh Thản (Tổng Giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) đã đề xuất 3 phương án khắc phục nhưng bất thành.

Tại cơ quan điều tra, bị can Lê Thanh Thản khai do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án. Ngày 31-7-2019, bị can Lê Thanh Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án.

Ông Lê Thanh Thản. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Thanh Thản. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, phương án 1 là xem xét xử lý theo Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 của Chính phủ và khoản 9, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Phương án 2, bị can Lê Thanh Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa nhà CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco5.

Phương án 3, bị can Lê Thanh Thản đề xuất tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.

Quá trình điều tra, bị can Lê Thanh Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa nhà CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng. Sau khi không thỏa thuận được với các khách hàng, bị can Lê Thanh Thản đã đề nghị Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ngày 27-11-2019, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Hà Nội đã phát hành Công văn số 637/CV- BIDV.NHN xác nhận bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng. Đây là các sổ tiết kiệm trị giá 530 tỷ đồng thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ (là vợ của bị can Lê Thanh Thản).

Sau khi Cơ quan điều tra ra Bản kết luận điều tra, trong đó xác định số tiền thu lợi bất chính của bị can Lê Thanh Thản là hơn 534 tỷ đồng, ngày 20-10-2020 bị can Lê Thanh Thản có đơn đề nghị xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính mà bị can được hưởng, vì bị can phải chi phí cho việc đầu tư xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng gồm các khoản chi hơn 632 tỷ đồng.

Kết quả điều tra bổ sung xác định, chỉ có số tiền thuế giá trị gia tăng của 488 căn hộ không được cấp Sổ đỏ bị cáo đã nộp là hơn 53 tỷ đồng được đối trừ với số tiền thu lời bất chính. Các khoản chi còn lại mà bị can Lê Thanh Thản đưa ra không có căn cứ đối trừ.

Cụ thể, khoản tiền chi hơn 67 tỷ đồng mà Công ty Bemes đã nộp vào Kho bạc Nhà nước quận Hà Đông kê khai là tiền sử dụng đất của dự án CT6 Kiến Hưng, kết luận giám định tư pháp ngày 14-9-2018 của Giám định viên tư pháp Cục thuế Thành phố Hà Nội đã kết luận: “Không có cơ sở xác định là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án CT6 Kiến Hưng theo quy định của pháp luật do đó không có căn cứ để đối trừ với số tiền thu lời bất chính”.

Đối với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính 1% mà Công ty Bemes đã kê khai nộp tại Chi cục thuế quận Hà Đông khi bán các căn bộ tại dự án CT6 Kiến Hưng, cơ quan chức năng xác định đây là tiền thuế thu nhập tạm tính nên không có cơ sở đối trừ với số tiền thu lời bất chính. Về các chi phí đầu tư xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng, cơ quan điều tra cho rằng do dự án CT6 Kiến Hưng được bị can Lê Thanh Thản chỉ đạo xây dựng sai quy hoạch nên không có căn cứ đối trừ chi phí đầu tư xây dựng dự án với số tiền thu lời bất chính của bị can Lê Thanh Thản.

Do vậy, cơ quan tố tụng xác định số tiền thu lời bất chính của bị can Lê Thanh Thản là hơn 481 tỷ đồng.

Tại Cơ quan điều tra, 488 khách hàng mua căn hộ không được cấp sổ đỏ khai khi ký Hợp đồng mua bán căn hộ, họ không biết các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng xây sai quy hoạch. Các khách hàng đều tin tưởng bị can Lê Thanh Thản xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt. Quá trình điều tra, đa số các bị hại đều đề nghị được hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ). Chỉ có 6 bị hại đề nghị trả lại nhà cho Chủ đầu tư và yêu cầu Chủ đầu tư trả lại tổng số tiền mua nhà là hơn 7 tỷ đồng.

Liên quan tới dự án CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) xây dựng sai quy hoạch, tăng căn hộ sai phép, quảng cáo gian dối bán cho người dân, khiến cho 488 khách hàng mua căn hộ nhưng không được cấp sổ đỏ, có trách nhiệm liên đới của nhiều cán bộ quận Hà Đông (Hà Nội), trong đó có 6 cán bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sáu cán bộ này gồm: Đỗ Văn Hưng (sinh năm 1968, nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Duy Uyển (sinh năm 1964, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng), Bùi Văn Bằng (sinh năm 1969, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng), Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1965, nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (sinh năm 1958, nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (sinh năm 1960, nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông) bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 – Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, trong suốt quá trình Công ty Bemes thi công xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng sai quy hoạch, lãnh đạo UBND phường Kiến Hưng gồm: Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng giai đoạn từ năm 2004 đến tháng 4-2015), Nguyễn Duy Uyển (nguyên Phó Chủ tịch giai đoạn từ năm 2004 đến ngày 30-6-2011), Bùi Văn Bằng (nguyên Phó Chủ tịch giai đoạn từ ngày 1-7-2011 đến tháng 10-2018) đã không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý đối với các sai phạm tại công trình xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, các cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông gồm: Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông giai đoạn từ 15-9-2010 đến tháng 8-2012), Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông phụ trách địa bản phường Kiến Hưng từ 15-9-2010 đến tháng 10-2018) đã không thanh tra, kiểm tra việc thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng để phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật. Mai Quang Bài (nguyên Cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng giai đoạn từ ngày 7-12-2010 đến tháng 12-2014) đã không kiểm tra, phát hiện vi phạm và báo cáo kịp thời những vi phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng để xử lý theo quy định của pháp luật. Hậu quả là đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng mua 488 căn hộ là hơn 481 tỷ đồng.
Xác minh tại UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông (nay là Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông) xác định: không có bất kỳ tài liệu, hồ sơ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý đối với công trình xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng.

Theo cáo trạng, ông Lê Cường nguyên là Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, phụ trách quản lý đô thị từ tháng 7-2008 đến tháng 3-2012. Từ tháng 3-2012 đến tháng 5-2015, ông Cường là Chủ tịch UBND quận Hà Đông. Thời gian công trình Dự án CT6 Kiến Hưng được triển khai xây dựng (từ ngày 31-10-2010 đến ngày 25-11-2012) ngoài lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị, ông Lê Cường còn được phân công nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, xây dựng, đất đai...

Trong thời gian này, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thủ đô Hà Nội, trên địa bàn quận Hà Đông có rất nhiều công trình, dự án được đồng loạt triển khai, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra rất phức tạp. Tại các cuộc giao ban khối quản lý đô thị hay giao ban quận Hà Đông, ông Lê Cường nhiều lần chỉ đạo các cơ quan liên quan là Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, UBND các phường thuộc quận Hà Đông tổ chức kiểm tra, phát hiện vi phạm trật tự xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông thể hiện thông qua các kết luận cuộc họp. Riêng công trình CT6 Kiến Hưng, tại các cuộc họp giao ban quận, hay giao ban khối quản lý đô thị, ông Lê Cường không được UBND phường Kiến Hưng hay Thanh tra xây dựng quận Hà Đông báo cáo đề xuất kiểm tra phát hiện vi phạm tại công trình xây dựng CT6 Kiến Hưng.

Ngày 3-7-2000, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ra Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Cường. Ngày 1-8-2020 ông Lê Cường chuyển công tác đến Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội giữ chức vụ là Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của ông Lê Cường có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng xét thấy ông Lê Cường đã bị xử lý về Đảng, chính quyển nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Đối với ông Phạm Khắc Tuấn (nguyên Chủ tịch UBND quận Hà Đông từ tháng 5-2008 đến tháng 4-2012, từ tháng 4-2012 đến tháng 5-2015 là Bí thư Quận ủy Hà Đông), tài liệu điều tra xác định, với tư cách là Chủ tịch UBND quận Hà Đông, ông Tuấn đã phân công cho ông Lê Cường phụ trách lĩnh vực quản lý xây dựng, đô thị. Xét thấy hành vi của ông Phạm Khắc Tuấn có sự thiếu sót ở mức độ gián tiếp của người đứng đầu nên không xem xét xử lý hình sự.

Ngoài ra, đối với một số cá nhân khác có liên quan thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước gồm: UBND phường Kiến Hưng, Thanh tra xây dựng phường Kiến Hưng, Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, Phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông, UBND quận Hà Đông, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Mội trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hà Nội… được xác định không có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/sai-pham-tai-du-an-ct6-kien-hung-488-khach-hang-mua-can-ho-nhung-khong-duoc-cap-so-do-725971