Sàn giao dịch carbon sẽ vận hành thử nghiệm cuối năm nay

Tại Việt Nam, dự kiến sàn giao dịch carbon sẽ vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2025, hướng tới vận hành chính thức và kết nối quốc tế từ năm 2029.

Cuối năm nay, dự kiến sàn giao dịch carbon sẽ được vận hành thử nghiệm tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Cuối năm nay, dự kiến sàn giao dịch carbon sẽ được vận hành thử nghiệm tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 với chủ đề "Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới" do Viện Tư vấn phát triển (CODE) tổ chức ở Hà Nội vào ngày 18-7, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025, TTXVN đưa tin.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon. Theo đó, sàn giao dịch này sẽ tập trung quản lý và giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn trong nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như quy định tại Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris, cùng các cơ chế độc lập như Vera, Gold Standard. Tất cả các tín chỉ này sẽ phải được đăng ký trên hệ thống thống nhất, bảo đảm quản lý tập trung và minh bạch.

Về cơ sở pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon vào ngày 24-1 năm nay. Theo đó, từ nay đến năm 2028, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm. Đến năm 2029, nước ta sẽ vận hành chính thức, đồng thời kết nối với thị trường carbon thế giới.

Theo ông Quang, Việt Nam hiện có khoảng 150 dự án đã được cấp khoảng 40,2 triệu tín chỉ carbon và đưa vào giao dịch quốc tế. Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia có số lượng dự án theo cơ chế CDM (cơ chế phát triển sạch) đăng ký nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ cộng đồng quốc tế. Ngay sau COP26, Thủ tướng đã ban hành Đề án thực hiện các cam kết này.

Đề án này tập trung vào năm nhóm giải pháp chính nhằm đạt mục tiêu Net Zero gồm Chuyển đổi năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển rừng và các hệ sinh thái, thu hồi và lưu trữ carbon, định giá carbon và phát triển thị trường carbon.

Hoài Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/san-giao-dich-carbon-se-van-hanh-thu-nghiem-cuoi-nam-nay/