Sản xuất bột matcha và trà túi lọc từ lá Trà hoa vàng

Huyện Đạ Huoai trồng tập trung và chăm sóc Trà hoa vàng Camelia doroyana (Trà mi bạc) dưới tán vườn cây, đồng thời sản xuất, chế biến sâu thành bột matcha và trà túi lọc. Sản phẩm được đưa ra thị trường vừa giúp bảo tồn được nguồn cây quý hiếm ở rừng bản địa, vừa đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con địa phương.

Sản phẩm trà túi lọc và bột matcha Trà hoa vàng trở thành sản phẩm OCOP của huyện Đạ Huoai

Sản phẩm trà túi lọc và bột matcha Trà hoa vàng trở thành sản phẩm OCOP của huyện Đạ Huoai

Tập trung phát triển vùng nguyên liệu

Loài Trà hoa vàng được các nhà thực vật thế giới đánh giá là nguồn gen quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Trà hoa vàng được thu mua với giá khoảng trên 1,5 triệu đồng/1 kg hoa tươi, thậm chí thu mua cả cây tươi với giá 20.000 đồng/kg. Sau đó sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Vì thế, việc nghiên cứu các biện pháp nhân giống để bảo tồn và phát triển các loài Trà hoa vàng là một việc làm cấp thiết. Từ năm 2016 - 2019, huyện Đạ Huoai đã triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cấp cơ sở “Thử nghiệm nhân giống Trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom trên địa bàn huyện Đạ Huoai” và “Thử nghiệm trồng tập trung và chăm sóc Trà hoa vàng Camelia doroyana dưới tán vườn cây lâu năm trên địa bàn huyện Đạ Huoai”.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã nhân giống hàng chục nghìn cây giống, xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu trên 10 ha Trà hoa vàng, hiện cây phát triển rất tốt. Đây vốn là giống bản địa từng mọc hoang dại tại địa phương nhưng trước kia người dân không biết nên phá bỏ rất nhiều.

Ông Nguyễn Thọ - Thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai, cho biết, Trà hoa vàng là một loại cây dược liệu quý hiếm, phân bố trong tự nhiên rất hẹp, nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam. Biết được lợi ích mà cây mang lại, tôi đã tiến hành hom giống và trồng thử nghiệm trên 1,5 ha đất vườn nhà. Việc hom giống và trồng thành công Trà hoa vàng vừa hướng tới mục tiêu bảo tồn giống cây quý hiếm ở rừng bản địa, vừa góp phần phủ xanh đất trống ở khu vực này, đồng thời mang đến một loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao cho bà con địa phương.

Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết, việc nhân giống và trồng thành công Trà hoa vàng giúp bảo tồn và phát triển giống trà quý này, mở ra hướng đi mới cho việc phát triển ngành nghề mới tại địa phương.

Để nhân rộng mô hình, cần thiết phải sản xuất, chế biến Trà hoa vàng thành sản phẩm hàng hóa, tạo thị trường đầu ra cho cây. Từ đó, nhân rộng xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện, mở ra một hướng mới về việc sử dụng, phát triển loài Trà hoa vàng thành một loài cây dược liệu và cây cảnh có giá trị kinh tế cũng như thẩm mỹ cao phục vụ cho nhu cầu trong và ngoài nước.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm trà túi lọc và bột matcha được sản xuất từ lá cây Trà hoa vàng cơ bản đã hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hàng hóa. Chất lượng sản phẩm đảm bảo để làm thức uống, không có các chỉ tiêu ảnh hưởng đến sức khỏe, hàm lượng các chỉ tiêu phân tích đạt TCVN, các chỉ tiêu được VILAS công nhận ISO 17025:2017, đủ điều kiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm và đăng ký tiêu chuẩn cho sản phẩm bột matcha và trà túi lọc được sản xuất từ nguyên liệu Trà hoa vàng ở huyện Đạ Huoai.

Tuy nhiên, để đảm bảo về quy mô, chất lượng đầu vào của sản phẩm, cũng như công suất đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất, cần phải ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện.

Trong năm 2020, trên địa bàn huyện đã có 2 cơ sở sản xuất matcha và trà túi lọc từ lá Trà hoa vàng đi vào hoạt động. Sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường được người tiêu dùng bước đầu đón nhận và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Đạ Huoai.

Ông Dương Văn Thành, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đạ Huoai cho biết, để nhân rộng mô hình, cần khuyến khích người dân trồng Trà hoa vàng để từng bước hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất... Bên cạnh đó, huyện phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ nhân rộng mô hình nhân giống để cung cấp cây giống cho người dân trồng. Khảo sát, khoanh vùng có cây Trà hoa vàng phát triển ngoài tự nhiên, công bố, khuyến cáo cho người dân biết về giá trị của loại cây này, khuyến khích người dân bảo tồn, chăm sóc để cây Trà hoa vàng tái sinh và trồng dặm bổ sung. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị cây Trà hoa vàng từ khâu cung cấp giống - trồng - sản xuất sản phẩm - thị trường tiêu thụ.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/san-xuat-bot-matcha-va-tra-tui-loc-tu-la-tra-hoa-vang-3059732/