'Sàng lọc' dự án FDI

Sau 35 năm kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Cần có một “bộ lọc” thật sự hiệu quả trong thu hút FDI để có được các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm. Hình ảnh minh họa

Cần có một “bộ lọc” thật sự hiệu quả trong thu hút FDI để có được các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm. Hình ảnh minh họa

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 1991 - thời điểm Việt Nam mới tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện, đến năm 2021 số vốn đăng ký và giải ngân đã cao hơn lần lượt gấp 30 lần và 38 lần. 10 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,46 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực FDI đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động. Minh chứng là giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.

Không thể phủ nhận dòng vốn FDI là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam, song hoạt động của một số dự án FDI cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Tình trạng chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam về môi trường, lao động… là những rủi ro tiềm tàng mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.

Không thể phủ nhận dòng vốn FDI là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam, song hoạt động của một số dự án FDI cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Tình trạng chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam về môi trường, lao động… là những rủi ro tiềm tàng mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.

Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp FDI do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp quy hiện hành trong lĩnh vực thuế như Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam bị phạt hơn 821 tỷ đồng, Heineken Việt Nam bị truy thu, phạt 916 tỷ đồng thuế... Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ lao động trong một số doanh nghiệp FDI chưa tốt, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí bị ngược đãi dẫn đến các vụ đình công gây ra nhiều hệ quả cho xã hội.

Để chấn chỉnh lại hoạt động thu hút đầu tư, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần có một “bộ lọc” thật sự hiệu quả trong thu hút FDI để có được các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm.

Cần phải khẳng định, Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã đặt nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, tạo cơ hội hướng tới các nguồn FDI chất lượng cao, chứ không chạy theo số lượng, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế… Đặc biệt những năm gần đây, khung khổ pháp lý đã có những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nói chung và FDI nói riêng.

Bên cạnh đó, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do cũng tạo động lực cho Việt Nam hài hòa các quy định về tính minh bạch của luật pháp, về bảo vệ người lao động và phòng chống tham nhũng. Những điều này thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra, chúng ta có chính sách nhưng thiếu vắng những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.

Để dần hiện thực hóa điều này, VCCI đã xây dựng công cụ “sàng lọc” các dự án FDI bao gồm: Các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường và các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.

Dù mới là bước thí điểm, song bộ công cụ “sàng lọc” đã phát huy hiệu quả đưa ra các khuyến nghị hỗ trợ các địa phương chọn lọc các dự án FDI. Nhưng để hoàn thiện và triển khai chính thức bộ công cụ thẩm định dự án FDI rất cần sự đồng lòng, thống nhất và chung tay của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư hiệu quả, chất lượng, các doanh nghiệp FDI kinh doanh có trách nhiệm.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sang-loc-du-an-fdi-post456652.html