Sắp có công trình đầu tiên bảo tồn, trưng bày về loài rắn tại Hà Nội

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một công trình bảo tồn, trưng bày về rắn được xây dựng tại làng nghề nuôi rắn có từ hàng nghìn năm - Lệ Mật, phường Việt Hưng.

Công trình độc đáo mang hình rắn

Mới đây, UBND phường Việt Hưng và HTX làng nghề Lệ Mật đã chính thức khởi công công trình bảo tồn, trưng bày về rắn. Đây là công trình đầu tiên liên quan nghề nuôi rắn tại Hà Nội, cũng như toàn miền Bắc.

Phối cảnh dự án bảo tồn, trưng bày rắn tại làng nghề Lệ Mật, phường Việt Hưng, TP Hà Nội.

Phối cảnh dự án bảo tồn, trưng bày rắn tại làng nghề Lệ Mật, phường Việt Hưng, TP Hà Nội.

Ông Cao Hải Sơn, Phó Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật cho biết, công trình được UBND quận Long Biên (cũ) phê duyệt tháng 7/2024. Dự án do UBND phường Việt Hưng lập và báo cáo đề xuất.

Theo phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý IV/2025, xây dựng trên diện tích đất 7.456m2 do UBND phường Việt Hưng quản lý.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật đã được UBND TP Hà Nội công nhận năm 2011. Đồng thời, xây dựng một trung tâm nuôi, bảo tồn các loài rắn và trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Qua đó, phát triển làng nghề gắn với du lịch để kết nối những điểm du lịch hiện có trong làng nghề, nhằm hình thành tour du lịch làng nghề Lệ Mật, thu hút du khách trong, ngoài nước.

Cũng theo ông Sơn, công trình được thiết kế với nhiều hạng mục như: Nhà trưng bày, triển lãm, nhà quản lý, đón tiếp, chuồng nuôi nhốt rắn và các công trình phụ trợ như vệ sinh, bãi đỗ xe. Ngoài ra, trong khuôn viên sẽ có khu trình diễn rộng 300m2, có mái che nhằm phục vụ du khách tham quan.

Dự án sẽ có một vài điểm nhấn là cổng chào và đường tham quan, chụp ảnh được thiết kế theo hình uốn lượn như loài rắn. Thời gian dự án được giao thí điểm thực hiện là 5 năm.

Gắn với bảo tồn, phát triển du lịch

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật chia sẻ, làng nghề Lệ Mật đến nay đã có tuổi đời hàng nghìn năm. Từ đơn thuần là nghề bắt rắn, nuôi rắn kiếm sống, qua hàng nghìn năm, Lệ Mật trở thành làng nghề độc đáo cửa ngõ phía Đông Thủ đô.

Theo ông Tuấn, trải qua hàng nghìn năm thăng trầm, nghề nuôi rắn đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách như pháp lý ngày càng chặt chẽ về chăn nuôi động vật hoang dã, áp lực đô thị hóa, sự cạnh tranh từ các vùng sản xuất khác, đặc biệt là nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng và an toàn sản phẩm.

"Đây không chỉ đơn thuần là dự án kinh tế, mà là dự án mang tính chiến lược, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo địa phương và người dân Lệ Mật trong việc kế thừa, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của làng nghề. Quan trọng hơn cả, dự án này hướng đến mục tiêu biến Lệ Mật thành điểm đến du lịch văn hóa độc đáo", ông Tuấn nói.

Khởi công xây dựng dự án nuôi, bảo tồn rắn tại làng nghề Lệ Mật.

Khởi công xây dựng dự án nuôi, bảo tồn rắn tại làng nghề Lệ Mật.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho rằng, dự án cần phát triển hướng tới đa mục tiêu như bảo tồn di sản, phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa và thúc đẩy du lịch bền vững. Ông Trường khẳng định, với cú hích là dự án này, Lệ Mật hoàn toàn có thể trở thành điểm đến độc đáo trong bản đồ du lịch sinh thái, văn hóa của thủ đô Hà Nội.

Về công tác đầu tư, xây dựng, lãnh đạo phường Việt Hưng yêu cầu HTX làng nghề Lệ Mật cần phối hợp chặt chẽ cơ quan chuyên môn triển khai dự án. Các quy trình từ cấp phép, giám sát xây dựng, truyền thông dự án cần làm đúng và đầy đủ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo các ghi chép, làng Lệ Mật có nghề bắt và nuôi rắn cách đây hàng nghìn năm. Thời kỳ đỉnh cao, những năm 2000, làng Lệ Mật có hơn 100 hộ nuôi và kinh doanh thực phẩm từ rắn. Đến nay, hơn 30 hộ theo nghề này.
Năm 2018, HTX làng nghề Lệ Mật ra đời, được kỳ vọng là động lực giúp nghề nuôi rắn lên tầm cao mới, vừa làm kinh tế gắn với bảo tồn, thu hút du lịch cho địa phương.

Kế Toại

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/sap-co-cong-trinh-dau-tien-bao-ton-trung-bay-ve-loai-ran-tai-ha-noi-192250719093339264.htm