Sáp nhập đơn vị hành chính, người dân cần lưu ý những gì?
Ngày 24/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 1245 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, thành lập huyện Đạ Huoai trên cơ sở sáp nhập huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai kể từ ngày 1/12/2024.
Việc sáp nhập được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng còn một số thắc mắc về các loại giấy tờ cá nhân liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính. Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Loan đã chia sẻ với phóng viên Báo Lâm Đồng về những việc mà người dân cần làm và cần lưu ý sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Phóng viên: Thưa luật sư, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thì thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước và các loại giấy tờ khác mà người dân đã được cấp trước đó có phải cấp đổi hay điều chỉnh lại thông tin?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan: Theo Điều 21, Luật Căn cước năm 2023 quy định về việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 24 Luật Căn cước năm 2023 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước; trong đó, có quy định đổi thẻ căn cước "theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính".
Như vậy, người dân không cần phải đổi thẻ căn cước công dân/ thẻ căn cước cũng như các loại giấy tờ cá nhân khác khi sáp nhập huyện, xã. Nếu thẻ còn thời hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu thì vẫn có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp đổi thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước mới.
Phóng viên: Để không bị gián đoạn hoặc bị ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự liên quan đến các loại giấy tờ cá nhân sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, người dân cần lưu ý những điều gì, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan: Để thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch dân sự, người dân và doanh nghiệp có thể liên hệ cơ quan công an để đề nghị cấp đổi thẻ căn cước. Khi đổi thẻ căn cước, trong trường hợp này, người dân không phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Điều 38, Luật Căn cước.
Hiện nay, Công an xã, huyện đang thực hiện việc rà soát, chuyển đổi, cập nhật, bổ sung thông tin địa chỉ cư trú của công dân trên hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia tại các xã, huyện sau sắp xếp.
Sau khi cập nhật, điều chỉnh thông tin trên Hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu sẽ đồng bộ với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin các bộ, ngành, địa phương có kết nối với Hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phục vụ việc khai thác, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo thông tin cư trú mới của công dân.
Phóng viên: Theo luật sư, để sớm ổn định cuộc sống cũng như các hoạt động xã hội khác; đồng thời, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới, người dân các địa phương cần làm những gì?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan: Lâm Đồng là tỉnh có số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện công tác sáp nhập nhiều nhất của cả nước. Do đó, có rất nhiều công việc cần phải triển khai từ sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sớm đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu lực, hiệu quả đến việc đảm bảo giữ cho các hoạt động bình thường của xã hội và người dân được diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.
Thực tế cho thấy công tác sáp nhập đến thời điểm hiện tại đã diễn ra thuận lợi và nhận được sự đồng tình ủng hộ, thống nhất của người dân. Trong thời gian tới, các địa phương mới sau khi sáp nhập còn rất nhiều việc phải làm để hướng đến xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để làm được điều này rất cần sự thống nhất, đồng thuận về tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó mới tạo động lực thúc đẩy địa phương phát triển tương xứng với địa giới hành chính mở rộng sau sáp nhập.
Do đó, người dân cần tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là một trong những cách hữu hiệu để góp phần cùng với chính quyền địa phương sớm ổn định tình hình sau sáp nhập, thích ứng với không gian mới, tình hình mới và nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Đồng thời, trong giai đoạn mới sáp nhập sẽ có một số thay đổi về trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của cấp ủy và chính quyền địa phương như thay đổi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; thay đổi trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn... Do đó, người dân cũng cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin trước khi muốn liên hệ công tác để tránh mất thời gian đi lại. Đặc biệt, cần nâng cao tinh thần cảnh giác để không mắc các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao ngày càng tinh vi như gọi điện thoại giả danh cán bộ nhà nước yêu cầu làm theo hướng dẫn để điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các thông tin trong giấy tờ cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như đã trao đổi ở trên, việc cấp đổi thẻ căn cước công dân/ thẻ căn cước chỉ cần thực hiện khi hết thời hạn sử dụng hoặc người dân có nhu cầu cấp đổi. Và, việc cấp đổi này sẽ được thực hiện tại cơ quan công an địa phương. Đối với thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước còn thời hạn sử dụng thì vẫn có giá trị trong các giao dịch hành chính, dân sự. Cơ quan có thẩm quyền đã và đang chủ động cập nhật thông tin thay đổi của người dân tại các địa phương sáp nhập lên Hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho người dân giải quyết thủ tục hành chính theo thông tin cư trú mới.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, đến xã, trong thời gian tới, tin chắc rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ tiếp tục được quan tâm xây dựng với đầy đủ phẩm chất, năng lực, có trí tuệ, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Trên tinh thần đó, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai Kết luận số 48 KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp, huyện xã giai đoạn 2023 - 2030. Từ đó, tạo động lực tinh thần và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; góp phần giúp bộ máy quản lý ở cơ sở tinh gọn, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư!