Sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX: Có thuận lợi nhưng còn nhiều khó khăn

Sau sáp nhập, bên cạnh những thuận lợi, các trung tâm GDNN-GDTX gặp một số khó khăn, đề nghị được hưởng hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo như cơ sở GDNN.

Một trong những nhiệm vụ được nêu tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị là: “Đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới”.

Phát triển quy mô, chất lượng

Sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp tinh gọn bộ máy.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện sáp nhập, bên cạnh những hiệu quả mang lại, một số trung tâm vẫn gặp khó khăn trong hoạt động.

 Giờ học tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Ảnh minh họa: M.T.

Giờ học tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Ảnh minh họa: M.T.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Công Ninh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Sau khi sáp nhập thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và liên kết với các trường nghề, kết hợp giữa dạy văn hóa (hệ giáo dục thường xuyên) với trung cấp nghề cho học sinh lớp 10, 11, 12, có thể mang lại rất nhiều ưu thế cho cả học sinh và trung tâm như:

Học sinh sau khi hoàn thành chương trình học, đã có thêm bằng nghề, không cần phải đi học trung cấp nghề, rút ngắn thời gian học, tiết kiệm chi phí và có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề, có thể gia nhập thị trường lao động.

Cùng với đó, các trung tâm cũng mở rộng chức năng hoạt động, linh hoạt thực hiện nhiệm vụ là vừa đào tạo văn hóa, vừa liên kết đào tạo nghề cho học sinh”.

 Ông Trịnh Công Ninh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Ông Trịnh Công Ninh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Theo ông Trịnh Công Ninh, việc sáp nhập đẩy mạnh phát triển quy mô, chất lượng giáo dục thường xuyên và phát triển giáo dục nghề nghiệp cho các đối tượng học sinh (học văn hóa trung học phổ thông) và bà con lao động nông thôn. Ngoài ra, khi sáp nhập, trung tâm cũng có thêm một khoản thu nhập khác từ những phần liên kết đào tạo; từ nguồn thu đó, trung tâm sử dụng để phát triển đơn vị, tăng cường cơ sở vật chất và trích 4% vào cải cách thu nhập cho giáo viên.

Vị Giám đốc cho biết thêm, hiện tại, song song với việc đào tạo cho học sinh học văn hóa giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên còn liên kết với các trường trung cấp trong và ngoài tỉnh (như Trường Cao đẳng Lào Cai, Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội).

Ngoài ra, trung tâm cũng mở các mã ngành như tạo mẫu chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn, điện tử dân dụng và điện công nghiệp... đáp ứng nguyện vọng của người học và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những thuận lợi của việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên mang lại, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên chỉ ra một số khó khăn: “Thứ nhất, chất lượng đầu vào hệ giáo dục thường xuyên còn thấp (vốn là những học sinh không đủ điểm đỗ vào các trường trung học phổ thông), tỷ lệ học sinh thích lựa chọn vào giáo dục thường xuyên chỉ chiếm 1/3. Do đó, tạo ra nhiều vất vả với các thầy cô trong công tác đào tạo học sinh; thầy cô phải thật sự hết lòng, cống hiến, đam mê với nghề mới đảm bảo được chất lượng giảng dạy. Nắm bắt được thực tiễn đó, trung tâm đã chỉ đạo giáo viên nỗ lực hết sức, nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2023-2024 vừa qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trung tâm đạt 100%.

Thứ hai, trung tâm rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2024-2025, trung tâm có 457 học sinh (tăng 122 học sinh so với năm 2023), nhưng số lượng giáo viên chỉ có 22 biên chế. Phía trung tâm đã nhiều lần đề nghị với Ủy ban nhân dân huyện để tuyển dụng thêm, song, có lẽ vì lương khởi điểm thấp nên thực tế vẫn chưa tuyển dụng được. Hiện tại, giáo viên tại trung tâm bao gồm: giáo viên viên cơ hữu (giáo viên thuộc biên chế của Nhà nước giao) và giáo viên thỉnh giảng (năm 2023, có 1 giáo viên thỉnh giảng và năm 2024, có 2 giáo viên thỉnh giảng).

Thứ ba, về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho bà con đi học chỉ có 30.000 đồng/người/ngày (tiền hỗ trợ không thay đổi gì trong gần 5 năm qua). Với kinh phí hỗ trợ thấp như vậy rất khó để có thể vận động bà con đi học nghề ngắn hạn, nâng cao năng lực nghề nghiệp. Điều này kéo theo việc thực hiện chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại trung tâm bị hạn chế, sau cùng dẫn đến ảnh hưởng nền kinh tế khu vực”.

Đặc biệt, theo ông Trịnh Công Ninh, khó khăn lớn nhất đối với các trung tâm chính là không còn được hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ mua sắm thiết bị, vật tư và tu sửa cơ sở vật chất.

Theo đó, ông Ninh cho biết: “Trước đây, trung tâm giáo dục nghề nghiệp được hưởng nguồn kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư, sửa chữa cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục (kinh phí xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật). Thế nhưng, kể từ năm 2015, sau khi sáp nhập trở thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và theo quy định mới (từ năm 2023), trung tâm đã không còn được hưởng nguồn kinh phí đó nữa.

Cụ thể, tại Công văn số 1516/TCGDNN-KHTC ngày 31/07/2023 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có nêu, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo các quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong khi theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trường trung cấp và trường cao đẳng. Do đó, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 44 của Luật Giáo dục 2019, cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Như vậy, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện là cơ sở giáo dục thường xuyên có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bởi vậy, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tôi cho rằng, khi đã sáp nhập thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thì cần có chế độ phù hợp hơn, vì trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện cũng đang làm chức năng đào tạo nghề ngắn hạn, cũng liên kết nghề giống với giáo dục nghề nghiệp.

Hơn nữa, các trang thiết bị dạy học tại trung tâm được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp, lạc hậu rất nhiều so với hiện tại. Do đó, rất cần sự đầu tư, quan tâm về cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư để có thể đảm bảo hiệu quả trong công tác giảng dạy”.

Đề nghị các trung tâm cũng được hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Ninh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cũng chỉ ra: “Một trong những trở ngại lớn mà các trung tâm gặp phải sau khi sáp nhập là về đầu mối chỉ đạo.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân huyện quản lý về mặt nhân sự, kinh phí và cơ sở vật chất; Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về chuyên môn giáo dục thường xuyên; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý chuyên môn dạy nghề.

Chính vì thế, gây ra nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu sự quan tâm về chỉ tiêu hoặc đối tượng tuyển sinh và các hoạt động chỉ đạo thiếu đi sự thống nhất”.

 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) trong một buổi tư vấn phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Ảnh: website trung tâm.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) trong một buổi tư vấn phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Ảnh: website trung tâm.

Ông Nguyễn Xuân Ninh cũng cho biết thêm, từ sau khi sáp nhập đến nay, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng đào tạo.

“Giáo viên hợp đồng có thể không đủ kinh nghiệm và chuyên môn đối với lĩnh vực họ giảng dạy. Đặc biệt, giáo viên hợp đồng chỉ tham gia giảng dạy trong một khoảng thời gian nhất định, khó có thể gắn bó toàn bộ quá trình công tác với trung tâm. Sự quan tâm của giáo viên hợp đồng cũng ít tâm huyết bằng những giáo viên cơ hữu tại trung tâm, bởi lẽ đội ngũ giáo viên cơ hữu còn có các chế độ khen thưởng hằng năm, nhằm khích lệ, động viên”, ông Ninh lý giải.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ nhấn mạnh: “Để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm, trong thời gian tới, phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên đầu tiên. Thông qua việc đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước bổ sung tuyển biên chế; ngoài ra, các trung tâm phải có sự chủ động thuê thêm giáo viên bên ngoài, tìm hiểu và hợp đồng với những giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp”.

Cùng cảnh thiếu giáo viên cơ hữu sau khi sáp nhập, bà Đặng Thị Tú Linh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết: “Hiện tại, trung tâm có 10 cán bộ, giáo viên; trong đó, có 2 cán bộ lãnh đạo quản lý, 1 văn thư kiêm thủ quỹ, 1 kế toán; chỉ còn lại 6 giáo viên. Chính vì vậy, trung tâm phải hợp đồng thêm giáo viên. Song, học phí đào tạo giáo dục thường xuyên quá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên cũng thấp theo, khiến quá trình tuyển dụng diễn ra vô cùng khó khăn".

Bên cạnh đó, bà Đặng Thị Tú Linh cũng cho biết thêm, hiện tại, trung tâm cũng đang gặp bất cập về vấn đề tổ chuyên môn, khi cả đơn vị chỉ có một mình Giám đốc chỉ đạo, gây ra nhiều khó khăn. Năm nay, trung tâm có 32 lớp học, tương đương với số lớp của một trường trung học phổ thông, nhưng lại không có các tổ chuyên môn (ví dụ như tổ Khoa học tự nhiên, tổ Khoa học xã hội...) để chỉ đạo hoạt động từng lĩnh vực. Vì không có người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, nên giáo viên không có tính chủ động, chuyên nghiệp, rất khó triển khai các hoạt động và làm việc hiệu quả.

 Bà Đặng Thị Tú Linh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Bà Đặng Thị Tú Linh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên đề xuất: “Trước hết, đề nghị Chính phủ cùng các Bộ ngành liên quan có thể xem xét, tạo điều kiện, cho phép không chỉ có cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cũng được hưởng lợi trong việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, đầu tư và tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu cho trung tâm, để giảm thiểu giáo viên thỉnh giảng. Nếu bổ sung được đội ngũ giáo viên cơ hữu, trung tâm sẽ làm việc hiệu quả hơn, tháo gỡ được những khó khăn hiện đang tồn tại khi phải mời giáo viên thỉnh giảng”.

Liên kết với các trường nghề để đáp ứng nhu cầu xã hội

Trao đổi về việc liên kết với các trường nghề, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên thông tin, từ trước năm 2021, trung tâm thực hiện liên kết với Trường Cao đẳng Lào Cai, sau đó, từ năm 2021 đến nay, trung tâm liên kết với Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội.

Trong quá trình liên kết, hai bên ký cam kết, thống nhất phối hợp với nhau cơ bản thuận lợi. Về phía trung tâm, sẽ đảm bảo lớp học, phòng học, trang bị các thiết bị nghề, quản lý giờ ra vào lớp, quản lý duy trì sĩ số và công tác tuyển sinh; còn các trường nghề sẽ chịu trách nhiệm về chuyên môn thông qua việc cử giáo viên về giảng dạy.

Ông Trịnh Công Ninh cho biết thêm: “Do những khó khăn về di chuyển khi khoảng cách địa lý xa xôi, trung tâm chủ động sắp xếp thời gian dạy văn hóa phù hợp để trường nghề có thể dạy ngay khi đã cử giáo viên đến. Cùng với đó, trung tâm cũng bố trí sắp xếp chỗ nghỉ cho giáo viên của các trường.

Dự kiến, trong năm nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên sẽ xúc tiến liên kết thêm với hai trường: Trường Trung cấp Kỹ thuật Đa ngành Hà Nội và Trường Trung cấp Ngoại thương”.

Về việc liên kết với các trường nghề, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh cũng cho biết, trung tâm đã liên kết với Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Vinh từ năm 2012 và Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An từ năm 2017.

Bà Đặng Thị Tú Linh thông tin: “Trong hoạt động liên kết, các trường nghề thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh; còn giáo viên của trung tâm sẽ đến trường nghề để thực hiện giảng dạy.

Mọi chỉ đạo trong công tác dạy và học là trung tâm quản lý, trường nghề chỉ hỗ trợ trong khâu phối hợp quản lý nền nếp học sinh. Bên cạnh đó, trường nghề bố trí mỗi lớp một giáo viên chủ nhiệm, để cả hai bên cùng phối hợp nhịp nhàng. Về lịch học, trường nghề dành riêng một buổi dành cho dạy nghề, không có sự chồng chéo.

Ngoài ra, còn có một số trường nghề (ví dụ như Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc) tuyển sinh và gửi học sinh sang trung tâm để học. Những học sinh đó sẽ học ở cả hai địa điểm là trường nghề và trung tâm. Hai đơn vị cùng làm việc để thống nhất lịch học, cố định toàn bộ nội dung hoạt động, ưu tiên học văn hóa vào buổi sáng, học nghề vào buổi chiều”.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh cũng đánh giá, khi liên kết trung tâm với trường nghề, sẽ tạo điều kiện cho phân luồng học sinh dễ dàng hơn, tạo nhiều thuận lợi hơn khi các trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sap-nhap-trung-tam-gdnn-gdtx-co-thuan-loi-nhung-con-nhieu-kho-khan-post245549.gd