Sắp vào năm học mới, học sinh lớp 10 vẫn thiếu sách giáo khoa, vì sao?

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là năm học mới 2022-2023 bắt đầu nhưng một số nhà sách đã không còn đủ các loại sách giáo khoa lớp 10, các đầu sách tham khảo cũng bắt đầu khan hiếm.

Phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm mua những sách giáo khoa còn thiếu cho con

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình GDPT mới được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10. Trong đó, cấp THPT lần đầu áp dụng ở lớp 10 với 3 bộ SGK đã được phê duyệt gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Chị Hoa Lê (quận Hà Đông, Hà Nội) có con năm nay học lớp 10 cho biết mới chỉ mua đủ một số sách giáo khoa cơ bản cho con, còn lại các môn phụ như Giáo dục công dân, Công nghệ, Âm nhạc… đều khan hiếm. Môn Văn và Toán con chị Lê học theo bộ sách Kết nối tri thức; Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa học bộ sách Cánh Diều.

Chị Lê đã đi 3 nhà sách mà vẫn chưa tìm được sách môn Sinh học lớp 10 thuộc bộ sách Cánh diều cho con. Theo chị Lê, danh mục sách yêu cầu của nhà trường mỗi môn lại thuộc một bộ sách khác nhau, do vậy việc tìm sách rất khó khăn. Nhưng khó khăn hơn cả là muốn mua sách cũng không được vì đến nhà sách nào cũng thiếu hoặc hết hàng. "Năm học mới đã cận kề mà sách giáo khoa cho con vẫn chưa đủ. Ngày mai, tôi sẽ sang nhà sách ở các quận khác tìm xem sao".

Thực tế không riêng gì chị Lê mà rất nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào tình trạng đi khắp các nhà sách mà vẫn không "gom" đủ sách giáo khoa cho con.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình GDPT mới được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình GDPT mới được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10.

Ghi nhận của phóng viên, tình trạng thiếu sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 10 diễn ra tại nhiều nhà sách. Theo đại diện một nhà sách trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhu cầu về sách giáo khoa lệ thuộc vào việc các trường xây dựng tổ hợp môn học và lựa chọn đầu sách của các nhà xuất bản khác nhau nên nhà sách không "mạo hiểm" nhập theo bộ, chỉ ưu tiên một số đầu sách phổ biến.

"Năm nay, người dân đã mua sách lớp 10 từ rất sớm nhưng đến giờ nhiều người vẫn không tìm được sách cho con vì sách lớp 10 bán xé lẻ. Không như sách lớp 3, lớp 7 đã được nhà sách đóng gói theo từng bộ, sách lớp 10 đòi hỏi phụ huynh và học sinh phải tự tìm môn học theo 3 bộ sách, tùy lựa chọn của từng trường trong khi sách về bị thiếu nhiều", đại diện một nhà sách cho hay.

Nhà xuất bản nói gì?

Nói về nguyên nhân khiến phụ huynh, học sinh khó khăn trong việc mua sách giáo khoa mới, ông Vũ Xuân Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội - một trong số đơn vị cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn thành phố cho biết, lý do bởi một số phụ huynh không đăng ký mua sách ở trường. Trong khi đó, các đơn vị bên ngoài hệ thống bán lẻ không có đủ đầu SGK từ các NXB dẫn tới việc phụ huynh phải đi nhiều nơi mới mua được trọn bộ SGK theo yêu cầu của trường học. Ông Dương khẳng định, hiện nay những trường đăng ký mua SGK qua đơn vị này cơ bản đã có đủ sách.

Về phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Lê Hoàng Bách - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đây là năm học đầu triển khai dạy sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 theo chương trình GDPT mới. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong trường, địa phương cần chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.

Tuy nhiên do một số địa phương chậm công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường so với thời gian quy định. Đặc biệt là sách giáo khoa lớp 10, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên việc cung ứng sách giáo khoa đến các nhà sách có phần bị ảnh hưởng.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để đảm bảo học sinh đều có sách trước khi bắt đầu năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, bảo đảm cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, trong đó đặc biệt lưu ý về sách giáo khoa cho học sinh.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp trường, lớp học; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//sap-vao-nam-hoc-moi-hoc-sinh-lop-10-van-thieu-sach-giao-khoa-vi-sao-169220830094332529.htm