Sau 1 năm, Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý vẫn 'bặt vô âm tín'

Trong một văn bản mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục đề nghị nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.

Trước tình trạng giá nhà tăng giá chóng mặt và nhiều chiêu trò “thổi giá” của môi giới bất động sản, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục đề nghị nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.

Mô hình trung tâm này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.

Trên thực tế, đề xuất này đã được nhắc tới từ hơn 1 năm trước. Cụ thể, vào tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập sàn giao dịch bất động sản.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: CS)

Ảnh minh họa. (Nguồn: CS)

Mục đích ban đầu của sàn giao dịch giống như cổng đầu vào của thị trường bất động sản, giúp Nhà nước nắm bắt được biến động giá cả hằng ngày trên thị trường, thông tin thị trường, nhà đầu tư kinh doanh nắm được thị hiếu khách hàng, trên cơ sở đó điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho hiệu quả.

Còn đối với người sử dụng đất thì sàn góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường, người có nhu cầu mua đất có thể tìm đến sàn giao dịch, hạn chế tình trạng đi đêm, tiêu cực trên thị trường.

Tháng 10/2023, Bộ Xây dựng thông báo đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản thành trung tâm dịch vụ công trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh có ba nhiệm vụ chính là quản lý giao dịch bất động sản, quản lý thu thuế và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở.

Về tổ chức, mô hình hoạt động, các trung tâm sẽ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thành phố hoặc Sở Xây dựng, có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động của UBND tỉnh, thành phố và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng.

Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, tăng cường sử dụng hệ thống công nghệ 4.0, tạo điều kiện tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Sau khi bên bán và bên mua đạt được thỏa thuận mua bán và làm thủ tục lập hồ sơ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật, hai bên truy cập website cổng thông tin điện tử của trung tâm, điền vào thông tin mua nhà liên quan, nộp đơn xin yêu cầu làm thủ tục sang tên trực tuyến, ba cơ quan thẩm quyền thụ lý trực tuyến, xét duyệt theo chức năng của từng cơ quan.

Sau 2 ngày làm việc hoàn tất xét duyệt, sau khi bên mua nhận được tin nhắn đã thông qua xét duyệt, có thể đặt lịch hẹn đến trung tâm để được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản lấy ngay.

Với quy trình trên, hai bên giao dịch chỉ cần đi lại một lần đến trung tâm có thể làm xong mọi thủ tục.

Các giao dịch bất động sản chủ yếu bao gồm giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, giao dịch quyền sử dụng đất, giao dịch bất động sản có sẵn, cho thuê nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, đề xuất thành lập trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước là cần thiết, là giải pháp hiệu quả để đổi mới cách thức vận hành của thị trường bất động sản.

Đây cũng là cơ sở để phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động giao dịch bất động sản phù hợp với thực tiễn, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống công nghiệp số, đáp ứng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thị trường…

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-1-nam-trung-tam-giao-dich-bat-dong-san-do-nha-nuoc-quan-ly-van-bat-vo-am-tin-post314416.html