Sau sáp nhập, giới kinh doanh TPHCM chuyển đổi, thích ứng thế nào?

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, lộ ra những phát sinh khi thay đổi, cập nhật lại bản đồ, địa danh, địa giới hành chính, đường, khu phố. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải linh hoạt, thích ứng để quen dần.

Sau khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM, người dân và doanh nghiệp quan tâm về những thay đổi liên quan đến thủ tục giấy tờ, địa chỉ kinh doanh hay giao dịch hành chính. Thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi diễn ra khá thuận lợi, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp, nơi tính ổn định và thông suốt của hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu.

Ông Minh Tú, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản tại TPHCM cho biết, việc sáp nhập đơn vị hành chính về cơ bản không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của doanh nghiệp. “Chúng tôi không gặp nhiều khó khăn, chỉ trong ngày đầu tiên khi xuất hóa đơn thì cần đối chiếu lại địa chỉ mới của khách hàng cho chính xác. Nhưng quy trình làm việc và các phần mềm kê khai thuế đều đã được cập nhật theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng, nên mọi thứ diễn ra trơn tru” - ông Tú nói.

Theo ông Tú, điều quan trọng là doanh nghiệp giữ được sự chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý như thuế, hải quan, phòng đăng ký kinh doanh để đảm bảo thông tin cập nhật đầy đủ. Việc thay đổi địa giới hành chính chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, không ảnh hưởng đến các mã số thuế, giấy phép kinh doanh hay hồ sơ pháp lý hiện hành.

 Việc thay đổi địa chỉ khiến doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gặp khó thời gian đầu

Việc thay đổi địa chỉ khiến doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gặp khó thời gian đầu

Sau hơn 2 tuần vận hành chính quyền hai cấp, ông Hà Anh Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Thành Phát, cho biết thay đổi rõ ràng nhất mà ông cảm nhận được ở khâu hành chính, các quy trình vận hành công ty, khách hàng, đối tác hợp tác có liên quan đến thủ tục, vị trí địa lý.

Ngay sau khi sáp nhập, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin trên giấy phép kinh doanh để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời làm việc với cơ quan quản lý mới tại TPHCM. Thay đổi về quy trình, đầu mối liên hệ dẫn tới các đơn vị lúng túng thời gian đầu.

Theo ông Dũng, việc sáp nhập khiến nhiều cơ quan như thuế, công thương quá tải khi hàng loạt doanh nghiệp đồng loạt cập nhật thông tin.

Doanh nghiệp phải thay đổi bao bì, nhãn mác, ấn phẩm quảng cáo theo địa chỉ mới, phát sinh chi phí thiết kế, in ấn và tiêu hủy hàng tồn. Với doanh nghiệp sản xuất, việc điều chỉnh dây chuyền để tích hợp bao bì mới gây chậm tiến độ, ảnh hưởng doanh thu. Trong những ngày đầu, có xảy ra sai sót trong giao hàng, xuất hóa đơn do khách hàng chưa quen với thông tin mới.

Kiểm soát để tránh sai sót địa chỉ mới, cũ

Đại diện một công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, cho biết mọi thứ tưởng chừng đơn giản, nhưng việc cập nhật thông tin pháp lý sau sáp nhập lại khá tốn thời gian. Doanh nghiệp phải đồng loạt điều chỉnh từ con dấu, địa chỉ trên hóa đơn điện tử, thông tin trên các hợp đồng thương mại, giấy phép ngành nghề đến hồ sơ bảo hiểm xã hội và tài khoản ngân hàng. Mỗi lần xuất hóa đơn, nhân viên phải kiểm tra kỹ địa chỉ cũ và mới để tránh sai sót.

Với doanh nghiệp sản xuất, việc in lại bao bì, nhãn mác, cập nhật mã QR hóa đơn điện tử trên tem nhãn không chỉ phát sinh thêm chi phí mà còn tiềm ẩn rủi ro tồn kho nếu không kiểm soát tốt.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Mai Hữu Lâm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi nhấn mạnh, yếu tố “thích ứng nhanh” của doanh nghiệp trong quá trình sáp nhập. “Ngay khi biết khu vực đặt nhà máy sẽ điều chỉnh từ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi sang xã Bình Mỹ, TPHCM, chúng tôi đã chủ động cập nhật thông tin mới và thông báo đến khách hàng, đối tác để tránh nhầm lẫn khi tìm kiếm hoặc gửi hồ sơ chứng từ” - ông Lâm chia sẻ.

 Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi chủ động cập nhật mới thông tin sau khi sáp nhập

Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi chủ động cập nhật mới thông tin sau khi sáp nhập

Theo ông Lâm, sự thay đổi về địa chỉ không khiến doanh nghiệp xáo trộn, trái lại còn tạo điều kiện giúp khách hàng dễ dàng nhận diện vị trí doanh nghiệp hơn trong hệ thống hành chính mới. “Trước đây có nhiều khách hàng phải dò địa bàn xã, huyện khá phức tạp. Nay khi đơn vị hành chính được sáp nhập và rút gọn, địa chỉ rõ ràng hơn, việc định vị, liên hệ cũng thuận tiện hơn rất nhiều” - ông Lâm nhận định.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều hộ kinh doanh và đơn vị cung ứng dịch vụ trong vùng sáp nhập cũng chia sẻ quan điểm tích cực. Một số tiểu thương ở phường Sài Gòn cho biết việc cập nhật lại địa chỉ trên bảng hiệu, giấy tờ cá nhân được chính quyền hỗ trợ và hướng dẫn chu đáo. “Việc gì cũng có sự thay đổi ban đầu, nhưng chính quyền làm nhanh, thông báo sớm, nên không ảnh hưởng mấy đến buôn bán” - bà Nguyễn Thị Loan, chủ hộ kinh doanh trên đường Hai Bà Trưng (phường Xuân Hòa) cho biết.

Về thủ tục hành chính, hiện nay trên địa bàn TPHCM có hàng trăm nghìn hộ kinh doanh. Do đó, các hộ kinh doanh kiến nghị cải thiện hệ thống để đồng bộ, rút ngắn thời gian tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.

 Hệ thống đăng ký hộ kinh doanh chưa kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống thuế dẫn đến phát sinh lỗi

Hệ thống đăng ký hộ kinh doanh chưa kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống thuế dẫn đến phát sinh lỗi

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, trên địa bàn TPHCM có rất nhiều khu phố bị trùng tên, gây khó khăn trong công tác quản lý, người dân khó nhận diện vị trí địa lý. Theo ghi nhận của PV, các phường, xã tại TPHCM đồng loạt cử cán bộ đến tận từng nhà để phát phiếu, lấy ý kiến người dân về việc đổi tên khu phố.

Uyên Phương - Hương Chi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-sap-nhap-gioi-kinh-doanh-tphcm-chuyen-doi-thich-ung-the-nao-post1761413.tpo