Sau sáp nhập, TP.HCM 'tham vọng' là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á

Sau sáp nhập, chất lượng và số lượng tài nguyên du lịch của TP.HCM (mới) có thể xếp hàng đầu Đông Nam Á. TP.HCM sở hữu đầy đủ mô hình du lịch từ biển đảo, rừng ngập mặn, đô thị, công nghiệp đến lịch sử, văn hóa làng nghề, và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực.

Tài nguyên du lịch “khổng lồ”

Việc sáp nhập TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) không chỉ mở rộng quy mô, không gian phát triển du lịch mà tài nguyên du lịch của TP.HCM cũng tăng vọt.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau sáp nhập, TP.HCM có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch với hệ thống tài nguyên phong phú và chất lượng cao. Thống kê sơ bộ cho thấy, Thành phố có đến 681 tài nguyên du lịch, được phân vùng rõ nét, thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, không trùng lắp và không cạnh tranh nhau.

Sau sáp nhập, quy mô, không gian và tài nguyên du lịch TP.HCM được mở rộng thêm. (Ảnh: T.H)

Sau sáp nhập, quy mô, không gian và tài nguyên du lịch TP.HCM được mở rộng thêm. (Ảnh: T.H)

Bà Hoa khẳng định, TP.HCM hiện nay sở hữu đầy đủ các hình thái du lịch, như: du lịch đô thị, công nghiệp (của TP.HCM, Bình Dương cũ); du lịch biển đảo - nghỉ dưỡng (Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh, sức khỏe (như Dinh Độc Lập, các bảo tàng tại TP.HCM, nhà tù Côn Đảo, thiền viện Trúc Lâm, làng nghề gốm sứ, vườn trái cây ở Bình Dương)…

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch tại 3 địa phương tương đối đồng bộ, cùng với quy mô dân số hơn 14 triệu người sẽ tạo ra lợi thế lớn để kích cầu du lịch nội vùng hiệu quả, và khả năng sẵn sàng tiếp nhận các phân khúc khách du lịch trong, ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM. (Ảnh: T.H)

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM. (Ảnh: T.H)

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nói: “Nếu tính bình diện chung với các thành phố ở Đông Nam Á thì chất lượng và số lượng tài nguyên du lịch của TP.HCM mới có thể xếp vào hàng đầu trong khu vực. Hiện tại chúng tôi đang cùng với doanh nghiệp hoàn thiện các cái sản phẩm đã và đang khai thác để công bố các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM mới. Các sản phẩm du lịch của TP.HCM mới sẽ nhóm lại theo các chủ đề như: “Từ phố theo sông ra biển” hay là những sản phẩm về đêm, những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ”.

Tất bật làm mới sản phẩm

Chất lượng và số lượng tài nguyên du lịch của TP.HCM tăng vọt giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn. Còn phía các đơn vị lữ hành như: Vietluxtour, Du lịch Việt, Vietourist Holdings… cho hay việc hợp nhất 3 địa phương thành TP.HCM mới sẽ tháo gỡ “rào cản” về thủ tục, đơn giản hóa quy trình và tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị du lịch liền mạch.

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trên cho biết, các đơn vị đang rà soát lại sản phẩm tour cũ để điều chỉnh, xây dựng sản phẩm mới.

Không chỉ là một “siêu đô thị - kinh tế”, TP.HCM mới còn là “siêu hệ sinh thái du lịch sáng tạo”, hội tụ đầy đủ các hình thái du lịch. (Ảnh: T.H)

Không chỉ là một “siêu đô thị - kinh tế”, TP.HCM mới còn là “siêu hệ sinh thái du lịch sáng tạo”, hội tụ đầy đủ các hình thái du lịch. (Ảnh: T.H)

Theo đó, các đơn vị sẽ chú trọng gia tăng thời gian và sự trải nghiệm cho du khách bằng cách kết nối các sản phẩm du lịch nội đô TP.HCM trước đây, với các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, đảo tại Hồ Tràm, Long Hải, Bình Châu, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) và kết nối với các sản phẩm làng nghề, sinh thái, vườn trái cây tại tỉnh Bình Dương cũ.

Việc đặt tên các phường, xã mới cũng là một chủ đề rất hay có thể khai thác để giới thiệu đến du khách những sản phẩm theo chủ đề gắn với câu chuyện văn hóa, lịch sử của các phường xã

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa

Đặc biệt, TP.HCM đang đẩy mạnh sản phẩm du lịch kết hợp tìm hiểu cơ hội đầu tư, gắn với sản phẩm MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm). Với sự hiện diện của Khu công nghiệp Bình Dương, sản phẩm này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và đẩy mạnh, thu hút khách đến TP.HCM tham dự hội nghị, hội thảo và kết hợp nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đơn cử như tại Vietluxtour, đơn vị đang tổ chức các tour “City break - Biển và Thiền” kết nối từ TP.HCM đi các làng nghề, tắm biển Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, hay Vietourist Holdings, đang chuẩn bị mở tour “Từ phố thị đến rừng vàng, biển bạc” kết nối liên vùng khá thú vị: đi tàu cao tốc và về bằng máy bay từ nội đô TP.HCM đến Đặc khu Côn Đảo hoặc tour khám phá du lịch nội đô TP.HCM cũ, kết hợp các sản phẩm du lịch biển và làng nghề, sinh thái tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũ…

TP.HCM đang rà soát, làm mới lại các sản phẩm du lịch theo các chủ đề như: “Từ phố theo sông ra biển” hay là những sản phẩm về đêm, những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ” (Ảnh: T.H)

TP.HCM đang rà soát, làm mới lại các sản phẩm du lịch theo các chủ đề như: “Từ phố theo sông ra biển” hay là những sản phẩm về đêm, những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ” (Ảnh: T.H)

Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ: “Trước đây chúng tôi đối mặt với nhiều rào cản về thủ tục và các sản phẩm xây dựng rời rạc do thiếu liên kết giữa các tỉnh riêng lẻ. Giờ đây sáp nhập giúp đơn giản hóa quy trình, đây là lợi thế lớn để doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi tối ưu hóa các hoạt động và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới. Chúng tôi tập trung nâng cấp sản phẩm theo hướng chuyên biệt hóa và gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Điển hình là tour hành trình về miền Đông đa trải nghiệm, kết nối sự sôi động của TP.HCM, khám phá văn hóa các làng nghề ở Bình Dương và nghỉ dưỡng biển ở Vũng Tàu”.

Nâng tầm vị thế du lịch của TP.HCM

Đánh giá về tiềm năng du lịch của TP.HCM mới, Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch nhận định, sau sáp nhập, vị thế du lịch của TP.HCM chắc chắn sẽ được nâng tầm.

Theo Tiến sĩ Dương Đức Minh, tiềm năng khai thác du lịch của TP.HCM là rất lớn. Không chỉ là một “siêu đô thị - kinh tế”, TP.HCM mới còn là “siêu hệ sinh thái du lịch sáng tạo”, hội tụ đầy đủ các hình thái trải nghiệm từ du lịch biển đảo, sinh thái, đô thị thông minh, công nghiệp đến du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh.

TP.HCM sở hữu hạ tầng du lịch khá đồng bộ với hệ thống các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại hiện đại sẵn sàng đáp ứng các phân khúc khách du lịch nội địa lẫn quốc tế. (Ảnh: T.H)

TP.HCM sở hữu hạ tầng du lịch khá đồng bộ với hệ thống các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại hiện đại sẵn sàng đáp ứng các phân khúc khách du lịch nội địa lẫn quốc tế. (Ảnh: T.H)

Thậm chí, ông Minh cho rằng tài nguyên du lịch của TP.HCM thực tế có thể vượt xa con số ước tính 681 của Sở Du lịch TP.HCM. Trong không gian, quy mô du lịch được mở rộng và sinh thái đa dạng, để phát triển du lịch một cách hoàn thiện, tối ưu, Tiến sĩ Dương Đức Minh đưa ra gợi ý TP.HCM nên chọn Thiềng Liềng - ấp đảo của xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM cũ) làm trục phát triển.

“Tôi nghĩ TP.HCM mới sẽ khơi gợi sự tò mò của du khách quốc tế. Họ sẽ nghĩ rằng TP.HCM trước đây đã đủ để khám phá rồi, bây giờ có những điểm mà mình chưa biết. Ví dụ như ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An của Cần Giờ trước đây chắc nhiều người cũng chưa từng biết đến. Nay hệ thống văn hóa biển đảo của TP.HCM được nối dài từ Cần Giờ qua đến Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Đó là cơ hội để chúng ta chinh phục biển, bám biển thật chặt và quan sát những giá trị của biển, nắm từng mạch chảy của biển để khai thác những giá trị độc đáo của đại dương. TP.HCM nên chọn Thiềng Liềng - một ấp đảo thú vị để trở thành một “con chim đầu đàn”, tích hợp thành những nguồn lực du lịch giản đơn, mộc mạc và tinh hoa”, Tiến sĩ Dương Đức Minh gợi ý.

Trong bối cảnh mới sau sáp nhập, Tiến sĩ Dương Đức Minh đưa ra gợi ý TP.HCM nên chọn Thiềng Liềng - ấp đảo của xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM cũ) để làm trục phát triển. (Ảnh: NVCC)

Trong bối cảnh mới sau sáp nhập, Tiến sĩ Dương Đức Minh đưa ra gợi ý TP.HCM nên chọn Thiềng Liềng - ấp đảo của xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM cũ) để làm trục phát triển. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Dương Đức Minh nhấn mạnh thêm, sáp nhập, mở rộng địa bàn, quy mô, không gian du lịch cũng là cách “phẫu thuật” để tái cấu trúc, sắp xếp và làm mới lại các sản phẩm du lịch của TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với chuyên gia và doanh nghiệp du lịch để rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, phù hợp với bối cảnh mới sau sáp nhập.

Sản phẩm du lịch của TP.HCM thêm đa dạng, phong phú khi có thêm các làng nghề, vườn trái cây tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũ. (Ảnh: D.S)

Sản phẩm du lịch của TP.HCM thêm đa dạng, phong phú khi có thêm các làng nghề, vườn trái cây tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũ. (Ảnh: D.S)

Đề án này sẽ định vị lại thương hiệu du lịch TP.HCM với những giá trị cốt lõi, xác định thị trường và sản phẩm chính, cùng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, TP.HCM cũng sẽ dồn lực tập trung cho các dự án du lịch mang tính động lực, hướng tới mục tiêu sớm hiện thực hóa trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2030.

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sau-sap-nhap-tphcm-tham-vong-la-diem-den-hap-dan-hang-dau-dong-nam-a-post1215975.vov