Sau siêu dông gây thảm họa chìm tàu, công nghệ dự báo mưa dông ở Việt Nam thế nào?
Hệ thống siêu dông có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp thành hệ thống lớn. Siêu dông có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12-24 giờ.
Không thể sự báo sớm siêu dông
Trong cơn dông bao trùm miền Bắc chiều qua (19/7), gió ghi nhận tại Bãi Cháy (Hạ Long) ở cấp 10, trạm Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cấp 8, Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7. Đây là hiện tượng siêu dông nhiệt cực kỳ hiếm gặp, rất nguy hiểm và không thể dự báo sớm.
Chiều 19/7, miền Bắc xuất hiện mưa dông diện rộng, nhiều nơi xuất hiện dông mạnh, lốc xoáy và gió giật mạnh, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Tại trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) ghi nhận gió mạnh cấp 7, Bãi Cháy (Hạ Long) cấp 10, và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cấp 8. Đây là những cấp gió tương đương với gió bão và gió áp thấp nhiệt đới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trận mưa dông chiều qua không phải do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Wipha. Thời điểm dông lốc xảy ra, tâm bão đang trên vùng biển Bắc Biển Đông, cách vịnh Hạ Long của Việt Nam trên 1000km về phía đông. Hoàn lưu bão Wipha có đường kính khoảng 200-300km (tính từ tâm bão).

Trận dông lốc ngày 19/7 gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều 19/7 ở Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua, khiến dòng thăng mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển mạnh mẽ, gây mưa dông mạnh.
Đây là một hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới với những tổ hợp mây dông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió giật mạnh, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng.
Hệ thống siêu dông có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp lại thành một hệ thống lớn. Có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12–24 giờ, mạnh hơn và lâu hơn dông đơn lẻ.
Ngay sau khi ảnh hưởng đến miền Bắc, vùng mây dông này cũng tràn xuống khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh gây mưa dông diện rộng kèm các hiện tượng thời tiết như lốc sét, gió giật mạnh trong tối qua.
Ông Khiêm cho biết, các cơn dông nhiệt không thể dự báo sớm, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế, do đặc điểm nhiễu động quy mô nhỏ, hình thành rất nhanh.
Hiện nay, với những trang thiết bị hiện đại quan trắc và giám sát bầu trời như ảnh mây vệ tinh phân giải cao, radar thời tiết, cơ quan khí tượng có thể phát hiện được dông nhiệt nhưng do các hiện tượng này xảy ra quá nhanh nên chỉ có thể cảnh báo cực ngắn, từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Vì vậy đây là hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là khi hiện tượng thường xảy ra vào giữa và cuối chiều, thời điểm nhiều người lưu thông trên đường.
Công nghệ dự báo mưa dông ở Việt Nam hiện nay
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 3 thành phần cơ bản cần thiết để hình thành dông bão gồm độ ẩm, không khí không ổn định bốc lên (không khí tiếp tục bốc lên khi được đẩy nhẹ) và cơ chế nâng để tạo ra "cú đẩy".
Mặt trời làm nóng bề mặt Trái đất, làm ấm không khí phía trên nó. Nếu không khí bề mặt ấm này bị buộc phải bốc lên đồi núi, hoặc những khu vực mà không khí ấm/lạnh hoặc ướt/khô va vào nhau có thể gây ra chuyển động bốc lên, nó sẽ tiếp tục bốc lên miễn là nó nhẹ hơn và ấm hơn không khí xung quanh nó.
Khi không khí bốc lên, nó truyền nhiệt từ bề mặt trái đất lên các tầng trên của khí quyển (quá trình đối lưu). Hơi nước mà nó chứa bắt đầu nguội đi, giải phóng nhiệt, ngưng tụ và hình thành mây. Cuối cùng, mây phát triển lên cao thành những khu vực có nhiệt độ dưới mức đóng băng.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn QUốc gia cho biết, trong những năm qua, ngành khí tượng thủy văn đã xây dựng mạng lưới cảnh báo dông, sét tương đối toàn diện, bao gồm 10 radar thời tiết và 18 trạm định vị sét tự động. Kết hợp với công nghệ phân tích, xử lý tiên tiến đã góp phần nâng cao hiệu quả cảnh báo dông, sét trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Mạng lưới dùng phương pháp đo gián tiếp (đa trạm) để xác định vị trí các tia sét trong mây (IC) và sét đánh xuống đất (CG) theo thời gian thực. Các trạm này có tầm thu nhận sét đến khoảng 400-600 km, tức là ngoài đất liền Việt Nam còn đo được sét trên biển và vùng giáp biên giới. Dữ liệu từ mạng lưới định vị (như GLD360, Vaisala IMPACT) cung cấp số liệu thống kê sét hàng ngày và cảnh báo khi tần suất sét tại một khu vực vượt mức nguy hiểm. Độ chính xác định vị sét của mạng lưới thường ở mức vài trăm mét đến 1km.
Ảnh nhiệt độ đám mây và tập hợp sóng điện từ do các vệ tinh khí tượng địa tĩnh (như Himawari-8 của Nhật Bản) cung cấp cũng được dùng hỗ trợ cảnh báo. Ví dụ, hệ thống cảnh báo sớm mới của Việt Nam tích hợp liên tục ảnh vệ tinh vào mô hình giám sát thời tiết. Dựa trên ảnh mây (hệ trái đất, khí hậu toàn cầu), công cụ phân tích có thể phát hiện vùng đối lưu phát triển mạnh - dấu hiệu báo trước của dông, sét. Nhiều nghiên cứu trong nước cũng đã dùng dữ liệu vệ tinh Himawari để dự báo mưa dông cục bộ, tuy độ phân giải không bằng radar nhưng bù lại quan sát được toàn miền.
Để đạt được các bước tiến nêu trên, mô hình dự báo mưa cực ngắn hạn dùng kỹ thuật ensemble kết hợp dữ liệu quan trắc (radar, mưa, sét) để dự báo vị trí mưa dông trong 1-6 giờ tới. Tại Việt Nam, các thử nghiệm đã ứng dụng hệ thống SWIRLS (Short-range Warning of Intense Rainstorms) từ Nhật Bản phối hợp với mô hình WRF và dữ liệu radar để cải thiện dự báo mưa lớn dưới 6 giờ.
Thông tin cảnh báo sớm hiện nay đã được truyền tải qua các nền tảng khác nhau website/app di động, tin nhắn SMS, truyền hình, phát thanh và phương tiện thông tin đại chúng khác. Từ năm 2003, trang iWeather.gov.vn đã chính thức vận hành và cung cấp thông tin dông, sét. Người dân có thể xem bản đồ sét theo thời gian thực qua máy tính hoặc điện thoại.
Mỗi cảnh báo đến sớm 10 phút có thể cứu sống hàng trăm người. Mỗi thông tin chính xác hơn, kịp thời hơn có thể giúp chính quyền ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đó là lý do vì sao việc ứng dụng khoa học công nghệ vào cảnh báo sớm thiên tai cần được ưu tiên, đầu tư và lan tỏa đến từng người dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, cảnh báo sớm không chỉ là nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn, mà là trách nhiệm chung của xã hội - nơi công nghệ hiện đại trở thành chiếc "chuông báo động" vì an toàn và tương lai bền vững cho cộng đồng.