Sẽ đầu tư và hỗ trợ tối đa để rút ngắn thời gian nghiên cứu, sản xuất chip bán dẫn

Bộ KH-CN sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến bán dẫn.

Chiều 9-10, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức họp báo thường kỳ quý 3. Tại đây, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN) cho biết, việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến bán dẫn, là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành này trong thời gian tới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực. Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư đang hoạt động trong lĩnh vực này. Mỗi loại chip bán dẫn đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

Quang cảnh cuộc họp tại trụ sở Bộ KH-CN, chiều 9-10. Ảnh: T.B

Quang cảnh cuộc họp tại trụ sở Bộ KH-CN, chiều 9-10. Ảnh: T.B

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, trước những cơ hội và thách thức trên, Bộ KH-CN xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành khác bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn. Bộ KH-CN sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến bán dẫn. Cùng với đó là thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài. Bộ KH-CN khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ đẩy mạnh trong chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về KH-CN. Từ đó, sẽ tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Phú Hùng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Phú Hùng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Phú Hùng cũng cho biết, Bộ KH-CN ưu tiên triển khai các chương trình KH-CN cấp quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Tới đây, Bộ KH-CN sẽ phối hợp với các bộ ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Các doanh nghiệp có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC,… và các viện, trường có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Qua đó, tạo ra hệ sinh thái giữa các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất, từ khâu thiết kế, đến chế tạo sản phẩm. Đồng thời, Bộ KH-CN sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Bộ KH-CN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam. Theo Báo cáo GII 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27-9-2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp trong báo cáo GII của WIPO (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).

TRẦN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/se-dau-tu-va-ho-tro-toi-da-de-rut-ngan-thoi-gian-nghien-cuu-san-xuat-chip-ban-dan-post709101.html