Sẽ xóa bỏ Tổng cục Thuế, Hải quan, Thống kê và Ủy ban Chứng khoán

Việc sắp xếp Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư dự kiến giảm tổng số 22/56 đầu mối, gồm giảm 6/6 tổng cục, giảm 11/44 vụ, cục, văn phòng, thanh tra và giảm 5/9 đơn vị sự nghiệp.

 Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Trần Mạnh.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Trần Mạnh.

Chiều 11/12, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối (mỗi Bộ gồm 28 đầu mối), trong đó có 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi sắp xếp lại hai Bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối, trong đó có 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai Bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập) và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào.

Việc sắp xếp sẽ giảm giúp giảm tổng cộng 22/56 đầu mối (giảm 39%), trong đó bao gồm giảm gồm 6/6 tổng cục, giảm 11/44 vụ, cục, văn phòng, thanh tra và giảm 5/9 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ.

Như vậy, sau sắp xếp, tất cả 6 tổng cục thuộc hai Bộ kể trên sẽ không còn. Hiện, Bộ Tài chính có 5 đơn vị tổng cục và tương đương gồm Tổng cục Thuế, Hải quan, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Bộ Kế hoạch Đầu tư có 1 tổng cục là Tổng cục Thống kê.

Đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các Bộ, trước mắt giữ nguyên như hiện nay, sau đó sẽ sắp xếp theo chỉ tiêu chung.

Đối với việc chuyển giao nhân sự từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Kinh tế, Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ sẽ rà soát cụ thể đối với từng trường hợp gắn với nhiệm vụ được giao, phù hợp với vị trí việc làm và tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Bộ Tài chính thống nhất với chủ trương sáp nhập và tổ chức Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thành một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính, chấm dứt mô hình Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thuộc Chính phủ như hiện nay.

Đơn vị này có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung, quản lý các quỹ này đảm bảo thông suốt, có tính chất liên kết toàn hệ thống.

Kết luận tại buổi họp, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc sắp xếp của Bộ Tài chính tương đối hợp lý. Phó thủ tướng gợi ý việc đặt tên bộ mới cần nghiên cứu phù hợp với thông lệ quốc tế và vai trò đảm nhiệm định hướng tham mưu về mặt kinh tế vĩ mô.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, sắp xếp, tinh gọn bộ máy đặt ra yêu cầu quyết liệt, nhanh gọn, nhưng phải đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy, hoàn thành trong tháng 12 và đi vào hoạt động ổn định trước ngày 25/2/2025.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/se-xoa-bo-tong-cuc-thue-hai-quan-thong-ke-va-uy-ban-chung-khoan-post1517453.html