Siết chặt quản lý, chặn đứng thực phẩm bẩn và kém chất lượng

Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương duy trì kiểm tra thường xuyên, công tác kiểm tra cần tập trung trên diện rộng đối với các mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, nguy cơ bị làm giả cao như dầu thực vật, sữa bột và các thực phẩm khác.

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, nhằm đảm bảo phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

"Khu dân cư an toàn - Không hàng giả, không thực phẩm bẩn”

Theo Bộ Công Thương, chỉ thị này được đưa ra nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh tổ chức bộ máy hành chính có sự điều chỉnh, thống nhất và thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Mục tiêu là kiên quyết phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và ATTP, qua đó góp phần lập lại trật tự quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức các đợt kiểm tra cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, đồng thời duy trì kiểm tra thường xuyên, bảo đảm rõ trách nhiệm và phù hợp với phân cấp quản lý.

Công tác kiểm tra cần tập trung trên diện rộng đối với các mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, nguy cơ bị làm giả cao như dầu thực vật, sữa bột và các thực phẩm khác.

Các Sở Công Thương phải chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, kiến nghị đình chỉ hoạt động, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả mạo thương hiệu, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng hay không đạt chất lượng.

Đặc biệt, Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm trên nền tảng số. Cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp bán thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc qua sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội và các hình thức livestream.

Lực lượng chức năng sẽ xử lý các kho hàng không đăng ký, giao dịch không có chứng từ hợp lệ, và yêu cầu các nền tảng TMĐT trên địa bàn hỗ trợ cung cấp dữ liệu để truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như thông tin chủ thể kinh doanh.

Ngoài ra, các Sở tổ chức tuyên truyền cho người dân, tiểu thương và doanh nghiệp về cách nhận diện hàng giả, thực phẩm kém chất lượng và quyền lợi người tiêu dùng khi phát hiện vi phạm. Cùng lúc triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư an toàn - Không hàng giả, không thực phẩm bẩn”.

 Người dân mua dầu ăn tại điểm bán trong chợ. Ảnh: TÚ UYÊN

Người dân mua dầu ăn tại điểm bán trong chợ. Ảnh: TÚ UYÊN

Tiếp tục đẩy mạnh các đợt cao điểm ngăn chặn sữa giả, thuốc giả

Đối với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương yêu cầu tham mưu cho Bộ trưởng ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp tỉnh và cấp xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP.

Cục sẽ chủ trì xây dựng Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời đánh giá, chỉ ra nguyên nhân của các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật để đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Cục Công nghiệp cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn địa phương trong việc kiểm soát rượu do người dân tự nấu, tự pha chế hoặc không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ, sẽ tập trung đề xuất chính sách phát triển thị trường lành mạnh, minh bạch, gắn với kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ người tiêu dùng.

Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương, chỉ đạo lực lượng QLTT kiểm tra, giám sát thị trường đối với mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tiếp tục đẩy mạnh các đợt cao điểm đấu tranh nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bao gồm sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và các hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng có trách nhiệm chỉ đạo các Sở Công Thương rà soát, tăng cường quản lý hoạt động cấp giấy phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu.

Về phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TMĐT.

Cục sẽ chủ trì xây dựng Luật Thương mại điện tử theo hướng toàn diện, đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng bổ sung các quy định nhằm kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng gia tăng hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường số.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/siet-chat-quan-ly-chan-dung-thuc-pham-ban-va-kem-chat-luong-post861261.html