Sinh vật lạ 110 triệu tuổi lộ diện ở Nội Mông - Trung Quốc
Các nhà khoa học Trung Quốc xác định được một loài sinh vật chưa từng được biết đến từ 2 mẫu hóa thạch kỷ Phấn Trắng.
Theo Sci-News, phần còn lại của 2 sinh vật kỳ dị đã được khai quật tại địa điểm hóa thạch Maortu thuộc hệ tầng Miaogou ở Chilantai, phía Tây Nội Mông - Trung Quốc.
Các mẫu vật đã được phân tích bởi nhóm nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Vân Nam, sau đó được xác định là một loài hoàn toàn mới.
Loài mới được đặt danh pháp Yuanyanglong bainian.
Trong hình ảnh phục dựng của nhóm nghiên cứu, nó giống như một sinh vật được lai tạp kỳ dị giữa một con đà điểu và một con thú to lớn, có một chiếc đầu bò sát nhưng mỏ giống chim.
Thế nhưng, nó thực ra là một con khủng long sống vào khoảng 110 triệu năm về trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng.
Nó thuộc về họ khủng long có lông vũ gọi là Oviraptorosauria, từng sống ở khu vực nay là châu Á và Bắc Mỹ, với hơn 40 chi đã được đặt tên.
Yuanyanglong bainian được xác định là một loài mới nhờ phần hộp sọ ngắn khác biệt với các loài khác cùng dòng họ, cũng như một số điểm đặc biệt ở xương chậu.
Nó cũng thể hiện một số sự kết hợp độc đáo đặc điểm của các nhánh Oviraptorosauria đã biết trước đây.
Đặc biệt, các hóa thạch cũng bao gồm những viên sỏi dạ dày, thứ hỗ trợ chúng nghiền thức ăn, y hệt cách thức của một số loài chim hiện đại.
Các đặc điểm trên khiến mẫu vật mới càng trở nên giá trị: Nó không chỉ là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tiến hóa của gia tộc Oviraptorosauria, cung cấp liên kết giữa các loài khác nhau, mà còn cho thấy mối quan hệ sâu sắc với loài chim hiện đại.
Chim vốn được tiến hóa từ khủng long và là loài còn mang nhiều đặc tính của những con quái vật cổ đại này nhất. Vì vậy, đôi khi các nhà khoa học xem loài chim như một dạng "khủng long thời hiện đại".
Nghiên cứu về loài sinh vật mới được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.