Số ca mắc sởi tăng gấp 111 lần so với năm ngoái

Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tính từ đầu năm, trong đó TP.HCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi bệnh sởi, trong đó có gần 5.000 trường hợp xác định dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi bệnh sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần. Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương mở rộng đối tượng tiêm vaccine.

Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Từ ngày 1/9/2024 đến ngày 19/11/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11/2024 có đến 64 ca. Trong đó, tỉ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỉ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đặc biệt tại tỉnh Thanh Hóa số ca mắc tăng cao nhưng tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt yêu cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp khi vẫn ghi nhận các trường hợp mắc và có tăng cục bộ tại một số địa phương.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát nhiều quốc gia, nguyên nhân do tỉ lệ tiêm vaccine thấp; đồng thời do tác động của đại dịch Covid-19 trước đó đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em, vì vậy tỉ lệ bao phủ vaccine sởi đã không đạt mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và tham vấn, đánh giá nguy cơ với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ; tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, về cơ bản các dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương được khuyến cáo khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Hoa Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/so-ca-mac-soi-tang-gap-111-lan-so-voi-nam-ngoai-284199.htm