'Số hóa' lớp học

Sáng Chủ nhật cuối tuần vừa qua, trời mưa tầm tã nhưng đúng 7 giờ 30 phút, phần lớn phụ huynh đã có mặt đông đủ tại lớp 82, Trường THCS Tân Bình, TP. Đồng Xoài để dự buổi họp phụ huynh đầu năm học. Nhiều phụ huynh đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự đổi mới, sáng tạo, khác hẳn một buổi họp truyền thống.

Ðổi thay nhờ công nghệ

Đúng 7 giờ 35 phút, buổi họp phụ huynh học sinh lớp 82, Trường THCS Tân Bình năm học 2024-2025 bắt đầu. Thay vì theo lối mòn thực hiện các bước như điểm danh, nhận xét về thành tích học tập, rèn luyện của học sinh; thông báo các khoản đóng góp, thu - chi thì giáo viên chủ nhiệm dành phần lớn thời gian để định hướng, xây dựng phương pháp giáo dục, học tập, rèn luyện năng lực, phẩm chất của con em. Điều đặc biệt hơn, mọi thông tin liên quan đến buổi họp phụ huynh đều được cô chủ nhiệm Trần Thị Thu Hằng “số hóa” bằng công nghệ thông tin.

Buổi họp phụ huynh được cô Trần Thị Thu Hằng “số hóa”

Buổi họp phụ huynh được cô Trần Thị Thu Hằng “số hóa”

Trong lớp có gắn tivi trên bảng, phụ huynh chỉ cần quét mã QR là có thể vào đường link của tập thể lớp 82 để theo dõi tất cả hoạt động. Để “số hóa” lớp học, cô Hằng cho biết, đã dành thời gian nghỉ hè tham gia các lớp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời kết hợp các phần mềm Padlet, Canva, Google form, Google drive, mã QR, chát GPT… để xây dựng thông tin kết nối các hoạt động của lớp. Trong công cụ quản lý lớp học, cô Hằng đã xây dựng nhiều thư mục: Kết nối, mục tiêu của em, thông báo, ảnh đẹp, tài liệu học tập… Cùng với đó là tạo nhiều mã QR để phù hợp với từng thành phần, đối tượng, công việc.

Ở thư mục “kết nối” được cô xây dựng thành nhiều tiểu mục nhỏ như: “Điều em muốn nói”, “Bản tự nhận xét cuối tuần của em”, “Báo cáo tình hình lớp của ban cán sự”, “Ba mẹ yêu con”, “mảnh ghép yêu thương”… Đây là những thông điệp nhằm kết nối giáo viên chủ nhiệm với học sinh và phụ huynh. Thông qua thư mục “kết nối”, giáo viên chủ nhiệm có thể biết được học sinh lớp mình mong muốn, kỳ vọng điều gì ở thầy, cô giáo, cha mẹ; đồng thời cũng biết được phụ huynh đang kỳ vọng ở giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục con em mình và ngược lại. Từ đó tạo sợi dây kết nối, sẻ chia để cô hiểu trò, cha mẹ gần gũi, hiểu con nhiều hơn và ngược lại.

“Lớp học không chỉ là nơi tiếp thu kiến thức mà còn là một gia đình thứ hai, nơi chúng ta cùng nhau trưởng thành. Cô mong muốn rằng, trong năm học này, tập thể lớp 82 chúng ta sẽ luôn đoàn kết, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ cùng nhau. Mỗi em là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh lớn của lớp và khi mỗi mảnh ghép đó kết hợp với nhau, chúng ta sẽ tạo nên một tập thể vững mạnh, đồng lòng”. Đó là lời đầy yêu thương, trìu mến và những kỳ vọng được cô Hằng gửi cho lớp trên thư mục kết nối.

Truyền cảm hứng

Trong thư mục “mục tiêu của em”, giáo viên chủ nhiệm mong muốn tất cả học sinh trong lớp đề ra mục tiêu và giải pháp phấn đấu trong thời gian tới. Theo đó, hầu hết các em mạnh dạn, tự tin đưa ra mục tiêu phấn đấu, giải pháp thực hiện ghi trên 10 ngón tay đồ họa, như: “Phấn đấu đạt điểm 10 các bài kiểm tra”, “đạt danh hiệu học sinh giỏi”, “học sinh xuất sắc”, “đạt được nhiều điểm 10”, “tự tin giao tiếp trước đám đông”, “làm quen được nhiều bạn mới”, “đoàn kết, thân thiện”… Cùng với đó, các em đề ra giải pháp thực hiện: “Tích cực hơn trong các hoạt động của trường, lớp”, “chăm học hơn, tích cực hơn”, “tích cực giúp đỡ các bạn về học tập”, “cố gắng giúp đỡ gia đình và bạn bè”, “thường xuyên phát biểu hơn”, “tập trung trong học tập, làm bài tập đầy đủ”, “không nói tục, nói chuyện văn minh hơn”,… Từ mục tiêu đề ra, mỗi học sinh tự biết mình phải làm gì mỗi ngày, thay vì lấy game “làm bạn”.

Cô Thu Hằng còn tạo mã “bí mật của con”. Đây là kênh thông tin quan trọng, ngoài lưu giữ những hình ảnh đẹp của từng học sinh thì giáo viên có thể biết được “bí mật” nghề nghiệp, môn học, sở trường, ước mơ mà mỗi học sinh đang yêu thích, theo đuổi. Đây cũng là vấn đề được cô Hằng trao đổi với phụ huynh tại buổi họp để biết được những sở thích, ước mơ của học sinh có trùng khớp với suy nghĩ, ý tưởng của cha mẹ. Từ đó, cha mẹ và giáo viên chủ nhiệm cần làm gì, phối hợp như thế nào để gần gũi, quan tâm, yêu thương, hiểu con em mình nhiều hơn với mục tiêu phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Chia sẻ về việc xây dựng công cụ công nghệ thông tin quản lý lớp học, cô Hằng cho biết, do đam mê, tâm huyết với công tác chủ nhiệm gần 20 năm qua nên bản thân tự mày mò, nghiên cứu, tại trường chưa có ai làm để tham khảo, học tập. Mục tiêu cuối cùng là giáo dục các em trở thành công dân tốt cho xã hội và coi mỗi học sinh như chính con của mình.

Sau hơn 2 giờ, buổi họp kết thúc nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn bịn rịn chưa muốn rời phòng, có lẽ họ vẫn đang muốn được nghe cô chủ nhiệm chia sẻ thêm về giải pháp giáo dục con em mình tại gia đình ở lứa tuổi này….

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/163246/so-hoa-lop-hoc