Soi tỷ lệ nội địa hóa của các 'ông lớn' FDI

Đến nay, nội địa hóa của Honda trong chuỗi sản xuất xe máy là cao nhất, trong khi đó nội địa hóa Piaggio, Toyota, Samsung hay Canon còn khiêm tốn. Nguyên nhân vì sao doanh nghiệp thuần Việt vẫn chưa vào được chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia này?

Tại Hội thảo phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo mới diễn ra, bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá 10 năm trở lại đây, công nghiệp điện tử phát triển mạnh, nhưng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước ít, chủ yếu nhập khẩu 90%; công nghiệp ô tô nhập khẩu 70%.

Toyota có 46 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp thuần Việt.

Toyota có 46 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp thuần Việt.

Qua khảo sát VASI năm 2021, bà Bình cho biết chỉ có hơn 300 doanh nghiệp cấp 1 cung cấp linh kiện cho các tập đoàn đa quốc gia lớn và nhỏ ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội. Bắc Ninh là khu vực, các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh nhưng chỉ có 20 doanh nghiệp Việt cung cấp linh kiện cấp 1 cho khối ngoại.

Bà Bình đánh giá, doanh nghiệp Việt cũng tham gia vào chuỗi xe máy, ô tô và điện tử. Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng thì vẫn chưa mong đợi.

Theo đó, bà Bình phân tích cụ thể chuỗi cung ứng của một số ông lớn để biết câu chuyện thành công hay không thành công ở đâu.

Với ngành sản xuất xe máy, Phó Chủ tịch VASI phân tích chuỗi của Honda là chuỗi nội địa hóa thành công nhất vì doanh nghiệp Việt chiếm số đông cung cấp linh kiện cho tập đoàn này.

Tuy nhiên sang Piaggio, do xuất khẩu nên yêu cầu cao hơn, vì vậy tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn Honda.

Đối với lĩnh vực ô tô, VASI nghiên cứu chuỗi của Toyota, chỉ có 6 doanh nghiệp Việt cung cấp sản phẩm cơ khí, nhựa cho doanh nghiệp này.

Với ngành điện tử, đây là lĩnh vực doanh nghiệp FDI đầu tư vào nhiều nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp. Samsung vào Việt Nam kéo theo rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc, trong khi doanh nghiệp Việt Nam trước đó chưa làm lĩnh vực này bao giờ, nên xét về kinh nghiệm, kỹ năng, giá thành không đủ cạnh tranh để vào chuỗi cung ứng.

Còn Canon Việt Nam, Phó Chủ tịch VASI cũng đánh giá về nỗ lực nội địa hóa nhưng vài năm gần đây họ không còn muốn đẩy mạnh điều này nữa vì linh kiện mà họ cần không doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng.

Để liên kết thành công, bà Bình cho rằng, người mua và người bán phải có xu hướng hợp tác với nhau. Các doanh nghiệp FDI cần phải rất nhiệt tình, có chiến lược hỗ trợ phát triển nhà cung cấp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi.

"Thẳng thắn mà nói khi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, thì họ đã có "con ruột" đi theo từ đầu, vì vậy mình muốn chen chân vào chuỗi của họ thì giá phải tốt hơn", bà Bình chia sẻ nhiều lãnh đạo quản lý của các tập đoàn đa quốc gia rất nhiệt tình trong chiến lược nội địa hóa, tuy nhiên khi hỏi về hỗ trợ cụ thể thì câu trả lời nhận được là phải chờ sự phê duyệt từ tập đoàn mẹ.

Phân tích ngành công nghiệp ô tô, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kinh doanh và Đối ngoại, Công ty Toyota Việt Nam, phân trần dù Toyota nỗ lực đẩy mạnh nội địa hóa qua từng năm, song tính đến hết năm 2020, doanh nghiệp có tổng công 46 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp thuần Việt

Nguyên nhân một phần là do ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi sau các nước trong khu vực, dung lượng thị trường nhỏ hơn nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không mặn mà đầu tư. Chưa kể, công nghiệp hỗ trợ Việt khó phát triển vì phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bị thiệt thòi hơn các doanh nghiệp nước ngoài.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/soi-ty-le-noi-dia-hoa-cua-cac-ong-lon-fdi-1084090.html