Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình
Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiều 30/11, trình bày dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau hai ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau:
Đối với lĩnh vực ngân hàng, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khẩn trương sửa đổi Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai các chương trình tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với lĩnh vực y tế, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ.
Xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng "tại chỗ" của các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động, tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về y tế của các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động sự tham gia hiệu quả của các hội nghề nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan báo chí; thực hiện có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp. Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.