Sớm xử lý dứt điểm những sai phạm (bài cuối)

Nhà xưởng chế biến hạt điều của Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát. Ảnh: ANH NGỌC

Bài cuối: Làm rõ trách nhiệm

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tháng 5/2021, Sở TN-MT đã thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Quang Sơn (Công ty Quang Sơn) và Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát (Công ty Đại Hưng Phát).

Đến nay, Sở TN-MT đã ban hành các kết luận thanh tra về những sai phạm, thiếu sót đối với 2 doanh nghiệp này, đồng thời cũng chỉ ra những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với chính quyền địa phương.

Không có hệ thống xử lý nước thải, nhiều thông số vượt chuẩn

Theo các hồ sơ bảo vệ môi trường của Công ty Quang Sơn, quy trình xử lý nước thải (tháng 10/2013): nước thải - bể tách dầu - bể sục khí oxy - bể lắng - bể lọc - thải ra môi trường; hệ thống xử lý nước thải (tháng 3/2021): bể lắng 500m2, bể lọc 500m2, hồ chứa nước thải xử lý (thả bèo tây) 1.000m2. Tuy nhiên, qua thanh tra, trong khuôn viên Công ty Quang Sơn không có các hệ thống xử lý nước thải này. Nước thải nhà ăn và nước thải sản xuất, Công ty Quang Sơn cho chảy trực tiếp vào các đường dẫn nằm âm dưới lớp bê tông chảy vào hầm bi và các hố đất, ao đất trong khuôn viên. Do hệ thống dẫn nước thải nằm âm dưới lớp bê tông và không có bản vẽ thiết kế nên chỉ quan sát được một số vị trí lộ thiên.

Theo ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, ngày 31/5, đoàn thanh tra đã lấy mẫu nước thải tại hầm bi tròn âm dưới đất có đáy không chống thấm ở khu vực phía tây nam khu lò chao và hầm đất trong khuôn viên Công ty Quang Sơn. Kết quả phân tích có 7/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật. Quá trình sản xuất, Công ty Quang Sơn đã xả nước thải vào hầm đất nằm phía bắc, đoàn thanh tra cũng đã lấy mẫu, kết quả có 3/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật. Ở phía nam khuôn viên công ty có ao chứa nước mưa, quá trình sản xuất, công ty đã để nước thải chảy vào ao chứa này. Ngày 25/5, đoàn thanh tra lấy 2 mẫu nước tại ao này, kết quả mẫu 1 có 4/11 thông số vượt chuẩn kỹ thuật (có thông số vượt hơn 40 lần); mẫu 2 có 4/11 thông số vượt chuẩn kỹ thuật (có thông số vượt hơn 60 lần).

Ngày 25/5, kiểm tra xung quanh khu vực người dân phản ánh ở phía nam giáp tường rào Công ty Quang Sơn thì phát hiện 3 khe nước chảy thành dòng từ tường rào công ty chảy ra khu đất của người dân. Đoàn thanh tra lấy 2 mẫu, kết quả phân tích mẫu 1 có 4 thông số vượt quy chuẩn cho phép (có thông số vượt 320 lần); mẫu 2 có 5 thông số vượt quy chuẩn cho phép (có thông số vượt 320 lần). Ngày 31/5, đoàn thanh tra tiếp tục kiểm tra thì nước tại 3 khe này vẫn chảy thành dòng nên tiếp tục lấy 2 mẫu, kết quả phân tích cả 2 mẫu, mỗi mẫu đều có 4 thông số vượt quy chuẩn cho phép. Ngày 1/7, tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu tại các khe nước này, kết quả có 3 thông số vượt quy chuẩn cho phép. Ngày 16/9, tiếp tục kiểm tra vẫn phát hiện nước chảy thành dòng từ tường rào công ty ra ngoài và tiếp tục lấy mẫu phân tích, kết quả mẫu 1 có 4 thông số vượt quy chuẩn; mẫu 2 có 2 thông số vượt quy chuẩn.

Ông Mai Kim Lộc cho biết, để xác định nguồn nước này, Sở TN-MT đã mời Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung (Liên đoàn miền Trung) để đánh giá. Ngày 25/8, Liên đoàn miền Trung khẳng định, nguồn nước xuất hiện tại tường rào phía nam của Công ty Quang Sơn không phải là nguồn nước mặt (nước mưa) và cũng không phải nguồn nước dưới đất, mà đây là nguồn nước được thẩm thấu từ các hồ chứa nước thải, rãnh thoát nước thải lâu ngày thẩm thấu và di chuyển trong diện tích đất của công ty rồi chảy ra ngoài.

Đối với Công ty Đại Hưng Phát, theo hồ sơ bảo vệ môi trường thì nước thải sản xuất được xử lý bằng cách dẫn vào hệ thống 3 bi bê tông có đường kính 1,2m và sâu 2m nhằm làm nguội và lắng cặn, sau đó chảy qua hố ga chứa than hoạt tính trước khi thấm xuống đất. Tuy nhiên qua thanh tra, công ty không có hệ thống xử lý nước thải nên việc thu gom nước thải chủ yếu vào các hầm bi âm dưới đất. Nước thải ở các hầm bi không có đáy chống thấm, tự thấm xuống đất, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, trong kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND huyện Phú Hòa phê duyệt đã không đánh giá lượng nước thải sản xuất phát sinh và không có giám sát môi trường nước thải sản xuất, nên việc giám sát nước thải của công ty này không được thực hiện và không kiểm soát được lượng nước thải phát sinh.

Ngày 31/5, đoàn thanh tra đã lấy mẫu nước thải tại 4 hầm bi đáy không chống thấm của Công ty Đại Hưng Phát. Kết quả phân tích hầm bi 1 có 7/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật; hầm bi 2 có 9/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật (có thông số vượt hơn 77 lần); hầm bi 3 có 3/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật; hầm bi 4 có 6/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật. Chiều 25/5, đoàn thanh tra lấy 1 mẫu nước mưa chảy tràn trên bề mặt sân của công ty chảy ra bên ngoài tại góc tường rào phía đông bắc, kết quả phân tích có 1/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Chất lượng khí thải không đảm bảo

Cũng theo ông Mai Kim Lộc, qua thanh tra tại Công ty Quang Sơn cho thấy, trong khuôn viên nhà máy và khu vực lân cận có mùi gắt, mùi nhiều nhất là ở khu chao, khu cắt tách, khu cắt sót. Trong khuôn viên ở phía bắc, phía nam và phía tây của công ty không trồng cây xanh để hạn chế phát tán mùi xung quanh. Ngày 30/5, đoàn thanh tra lấy 1 mẫu quan trắc khí thải tại ống khói khu vực lò hơi, kết quả phân tích mẫu khí thải có 2 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật. Ngày 31/5, đoàn thanh tra lấy 1 mẫu quan trắc khí thải tại ống khói khu vực chao hạt điều của công ty này, kết quả có 1 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật. Ngày 1/6, đoàn thanh tra tiếp tục lấy 1 mẫu quan trắc khí thải, kết quả phân tích có 1 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Đoàn công tác còn phát hiện doanh nghiệp này không có nhà chứa chất thải rắn, chất thải nguy hại; chưa phân loại chất thải rắn và chất thải nguy hại, các chất thải rắn để lẫn với nhau và để ngoài trời không có mái che.

Đối với Công ty Đại Hưng Phát, theo hồ sơ bảo vệ môi trường, khí thải sau khi được hấp thụ tại bể chứa nước và được dẫn về hồ hồi lưu, cuối tháng công ty thu gom và dọn vệ sinh, lượng khí sau khi xử lý được dẫn qua ống khói cao 15m để thoát ra ngoài. Công ty sử dụng nguyên liệu bằng củi để đốt lò. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy khí thải từ lò đốt (công suất nồi hơi 3.000kg/giờ, áp suất 10kg/cm2) được xử lý bằng 2 xyclon khô, sau đó được hấp thụ bằng một bể nước, tiếp đến khí thải đi qua tháp có phun nước từ trên xuống, cuối cùng là thoát ra ống khói cao 28m. Ngày 31/5, đoàn thanh tra lấy mẫu khí thải tại vị trí ống khói lò đốt, kết quả phân tích có 2 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật. Quá trình đốt lò, công ty sử dụng vỏ hạt điều chưa ép dầu để đốt, vấn đề này đoàn thanh tra đã lập biên bản vào ngày 25/5 và 31/5.

Cơ quan chức năng nói gì?

Lãnh đạo Sở TN-MT cho biết thêm, năm 2021, Công ty Quang Sơn đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất với quy mô công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm, nguyên liệu chính là hạt điều thô khoảng 18.000 tấn/năm. Tuy nhiên, việc UBND huyện Phú Hòa cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường với quy mô của doanh nghiệp này là không thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh. Việc UBND huyện Phú Hòa xác nhận cho Công ty Quang Sơn dùng vỏ hạt điều làm nguyên liệu đốt là thực hiện không đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư (năm 2015) thì Công ty Quang Sơn sử dụng củi để đốt các lò đốt cho quá trình sấy và hấp, không sử dụng vỏ hạt điều để đốt, để tránh phát sinh các hợp chất phenol gây tác động xấu đến sức khỏe người dân. Trong lúc nhiều hộ dân phản ánh về vấn đề xả nước thải và khí thải từ việc đốt vỏ hạt điều thì vào tháng 3/2021, UBND huyện Phú Hòa vẫn xác nhận cho Công ty Quang Sơn được đốt vỏ hạt điều mà không xem xét, đánh giá khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phú Hòa rà soát các kế hoạch bảo vệ môi trường đã xác nhận cho Công ty Quang Sơn và Công ty Đại Hưng Phát để phù hợp với quy định pháp luật; hướng dẫn 2 công ty này đăng ký kế hoạch môi trường theo đúng công suất thực tế và chủ trương của UBND tỉnh, nhằm đánh giá, dự báo mức độ ô nhiễm môi trường, đưa ra các giải pháp kiểm soát môi trường khí thải, nước thải. UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND huyện Phú Hòa kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham mưu hồ sơ môi trường của Công ty Quang Sơn và Công ty Đại Hưng Phát vì những sai sót đã nêu trên, liên quan trách nhiệm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường đối với các doanh nghiệp này dẫn đến có nhiều hành vi vi phạm trong thời gian dài, nhưng không được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.

ANH NGỌC - NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/267280/som-xu-ly-dut-diem-nhung-sai-pham-bai-cuoi.html