Sông Mã đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sông Mã là huyện biên giới có 18 xã, 1 thị trấn, dân số gần 150.000 người, trên 87% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, huyện Sông Mã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường nội bản Mường Nưa, xã Mường Lầm được đổ bê tông kiên cố.

Đường nội bản Mường Nưa, xã Mường Lầm được đổ bê tông kiên cố.

Về thăm bản Mường Nưa, xã Mường Lầm dịp này được đi trên con đường bê tông kiên cố, chứng kiến từng đoàn xe máy chở ngô, sắn từ nương đồi xuống đến nơi tập kết bán cho thương lái, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới trên bản làng. Ông Lò Văn Hem, gần 70 tuổi, một trong những người sống lâu năm tại bản, phấn khởi nói: Trước đây, đường bản chỉ là đường đất, nhỏ, hẹp, trời mưa thì lầy lội, nắng thì bụi, đi lại vất vả. Giờ đây, được Nhà nước đầu tư có đường bê tông kiên cố, là niềm mơ ước lâu nay của bà con, dân bản rất vui và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm.

Ông Lò Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mường Nưa, cho biết: Bản có 256 hộ, gần 1.200 nhân khẩu. Hiện nay, 3,7km đường nội bản đã được đổ bê tông. Ban quản lý bản sẽ tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên quét dọn, bảo vệ, quản lý, sử dụng công trình lâu dài, đáp ứng nhu cầu đi lại và tiêu thụ nông sản cho nhân dân.

Cầu vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, được xây dựng kiên cố.

Cầu vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, được xây dựng kiên cố.

Tiếp nối niềm vui về những con đường, về bản Nậm Pù, xã Huổi Một, lại được chứng kiến cây cầu bê tông kiên cố đang được hoàn thành, thay cầu tre tạm ngày nào bắc qua suối Nậm Pù. Cây cầu bê tông từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có tổng mức đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng. Anh Lò Văn Thơm, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Mặt trận bản Nậm Pù, phấn khởi: Bản có hơn 150 hộ dân tộc Khơ Mú, Mông. Trước đây, bà con muốn đến trung tâm xã phải đi qua cầu tạm rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ; ngô, sắn làm ra thường bị ép giá. Nay có cầu kiên cố, bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Những cung đường bê tông, những cây cầu kiên cố và hàng trăm công trình từ thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo cho bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới Sông Mã đổi thay nhanh chóng. Huyện Sông Mã đầu tư hơn 74 tỷ đồng đầu tư xây dựng 80 công trình và thực hiện duy tu các công trình tại 15 xã khu vực III, 4 bản đặc biệt khó khăn thuộc 3 xã khu vực I. Trong đó, 15 công trình giao thông, 5 công trình thủy lợi, 46 nhà văn hóa, 7 cây cầu, 6 nhà lớp học, 1 dự án điện nông thôn. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa đạt 54,8%; 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới an toàn; 98,6% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nhà văn hóa bản Sòng, xã Yên Hưng được đầu tư xây dựng khang trang.

Nhà văn hóa bản Sòng, xã Yên Hưng được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: UBND huyện tiếp tục lồng ghép, ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình mà người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết, như cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thông, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhà lớp học, nhà văn hóa xã, bản... Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tăng 2 lần so với năm 2020; 85% số bản có đường từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% số xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; giảm trên 20% số xã, bản đặc biệt khó khăn...

Việc huyện Sông Mã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/song-ma-dau-tu-co-so-ha-tang-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-AArF03NSR.html