Sòng phẳng với công nghiệp văn hóa

Khi thông tin Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% được đưa ra, đã có không ít kiến nghị, đề xuất từ những đơn vị kinh doanh, sản xuất điện ảnh mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.

Đỉnh điểm là chuyện hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể xin không tăng thuế. Lý do họ đưa ra chủ yếu tập trung vào việc điện ảnh là một ngành đầu tư rủi ro cao, điện ảnh là mũi nhọn văn hóa phục vụ quần chúng và trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà, điện ảnh rất cần được hỗ trợ, nâng đỡ.

Thực chất, từ rất lâu rồi, các lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự ưu ái lớn từ Chính phủ. Minh chứng rõ rệt nhất là mức thuế VAT 5%, một mức thuế được xem là thấp nhất trong biểu thuế giá trị gia tăng. Sự ưu ái đó đã mang lại kết quả gì? Về chất lượng điện ảnh, phải nói sòng phẳng là chưa cao. Về doanh thu, có nhiều phim lỗ nặng nhưng cũng không thiếu những phim doanh thu trăm tỷ. Và, nếu xét đúng quy luật kinh tế, một khi đã không còn khả năng đầu tư, sẽ không ai đầu tư thêm cả. Vì thế, việc biện giải “làm phim vì đam mê” là không có giá trị trong cách tranh luận về vấn đề này.

Khi các doanh nghiệp điện ảnh nhắc tới “công nghiệp văn hóa” như một nhiệm vụ trọng yếu tầm quốc gia, họ cần hiểu một cách sòng phẳng hơn về ngành công nghiệp này. Đã xem mình như một ngành công nghiệp, tất nhiên phải chấp nhận mọi yếu tố cấu thành ngành công nghiệp ấy. Những yếu tố cơ bản là sản xuất, sản phẩm, tiếp thị, thương mại, khách hàng, thị trường, xu hướng kinh doanh và tất nhiên, yếu tố không thể thiếu là các nguyên tắc, quy định về thuế và tài chính. Muốn tồn tại chuyên nghiệp như một ngành công nghiệp, không thể nào gạt bỏ trách nhiệm mà những nhà công nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp ấy phải đảm nhận. Trách nhiệm thuế chính là một nghĩa vụ mà không ai có quyền chối bỏ.

Tất nhiên, việc tăng thuế VAT sẽ tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng, xác định tác động đó là gì thì rất cần nghiên cứu một cách khoa học chứ không thể nói cảm tính. VAT là thuế gián thu và đối tượng chịu thuế cuối cùng luôn là người tiêu dùng. Do đó, việc tăng VAT sẽ dẫn tới tăng giá bán lẻ. Sự tăng giá này tất nhiên có thể tác động mạnh tới nhu cầu trên thị trường nhưng không hẳn có thể trở thành nguy cơ làm suy yếu nền điện ảnh nước nhà như cách diễn giải của các doanh nghiệp điện ảnh đã đệ đơn kiến nghị kể trên.

Tham gia vào một ngành công nghiệp, phải tự thân đáp ứng được đòi hỏi của ngành công nghiệp ấy bằng chính năng lực và trách nhiệm của mình.

Để phục vụ quần chúng, năm nào cũng có phim Nhà nước đặt hàng với đầu tư phần lớn, thậm chí 100%, từ vốn nhà nước. Còn các doanh nghiệp điện ảnh, đơn thuần là họ kinh doanh một mặt hàng đặc biệt mà thôi. Khi đã là kinh doanh, phải chấp nhận luật chơi của thị trường cũng như luật lệ quy định của nhà nước. Không thể mượn cái danh phục vụ để đòi hỏi ưu đãi trong khi thực chất, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa chung của nước nhà vẫn chưa đáng kể gì.

Cuối cùng, để ưu đãi các tác phẩm nghệ thuật thực sự, có nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội nên xem xét miễn hoàn toàn thuế cho các tác phẩm điện ảnh đoạt giải ở các liên hoan phim uy tín nhất trên thế giới như Toronto, Cannes, Venice, Berlin hoặc được đề cử chung cuộc ở Oscar. Như vậy, việc đặt ngành công nghiệp văn hóa vào cuộc chơi sòng phẳng cũng cân bằng với việc hỗ trợ cho các đầu tư nghệ thuật nghiêm túc góp phần nâng tầm nghệ thuật Việt Nam so với thế giới. Tất nhiên, mọi đề xuất kiến nghị còn phải được các cơ quan chức năng đưa ra xem xét và tìm hướng giải quyết thỏa đáng, phù hợp với những chính sách phát triển kinh tế của nước nhà.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/song-phang-voi-cong-nghiep-van-hoa-i750952/