Sống uy danh, chết lẫm liệt của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương được tôn vinh trên sân khấu

'Bất tử với Thăng Long' tái hiện hình tượng người Nguyễn Tri Phương, một vị tướng già trong cơn nước nhà nguy khốn, dù sức cùng lực kiệt nhưng vẫn giữ được khí thế lẫm liệt trong giây phút cuối đời.

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa cho ra mắt vở Bất tử với Thăng Long. Đây là kịch bản của tác giả Nguyễn Sĩ Chức được chuyển thể cải lương bởi Nguyễn Đình Tự, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Vở diễn là câu chuyện về Tổng đốc Nguyễn Tri Phương – người đã vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn ra Hà Nội làm Tổng đốc. Vở diễn tái hiện hình tượng người anh hùng dân tộc - một tổng đốc Hà Nội, một vị tướng già trong cơn nước nhà nguy khốn, dù sức cùng lực kiệt nhưng vẫn giữ được khí thế lẫm liệt trong giây phút cuối đời. Ông không chỉ là một danh tướng có tài cầm quân và biết thu phục nhân tâm để đương đầu với một đạo quân xâm lược nhà nghề có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội, mà còn là một vị quan thanh liêm biết lo cho dân, đau với từng nỗi đau của dân. Nguyễn Tri Phương đúng là một danh tướng: Lúc sống uy danh trùm vũ trụ/ Thác về thần khí rạng sơn hà.

NSND Hoàng Quỳnh Mai tâm đắc với vở diễn này và muốn mượn câu chuyện của Nguyễn Tri Phương để truyền cảm hứng khát vọng dựng xây đất nước cho thế hệ hôm nay: "Quan tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ là một chức quan nhỏ thời của cụ nhưng tôi vô cùng tâm đắc trước câu chuyện của cụ, đặc biệt là từ góc nhìn của ngày hôm nay thì sự hi sinh cho Hà Nội của gia đình Nguyễn Tri Phương là điều vô cùng khâm phục.

Tôi muốn góp một nén tâm nhang kính dâng lên bậc tiền nhân và làm rõ hơn hình ảnh của một vị quan yêu nước của dân tộc Việt. Hà Nội luôn cần có một bậc minh quân, biết hi sinh, biết sống chết cho mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Tôi mượn câu chuyện ngày xưa để nói lên khát vọng của ngày hôm nay - khát vọng về một người đứng đầu Tâm - Tài - Trí".

Sân khấu đơn giản chỉ có một chiếc ghế, đây cũng là phong cách dàn dựng tối giản đặc trưng của NSND Hoàng Quỳnh Mai nhiều năm nay. Chị cho biết, khán giả bây giờ không thích sự rườm rà, cồng kềnh nên chị luôn đau đáu tập trung tìm những "đạo cụ" làm chìa khóa cho vở diễn. Chiếc ghế đó được người dân đẩy lên trở thành một con thuyền như sức mạnh - sức mạnh của lòng dân ủng hộ một bậc minh quân.

NSND Hoàng Quỳnh Mai phải sáng tạo nhiều để có thể tiếp cận khán giả hiện đại nhưng không vì thế mà bỏ bớt phần ca - linh hồn của vở cải lương. “Ngay cả những người làm nghệ thuật cải lương cũng tranh cãi rất nhiều xem nên tiết chế hát ca bằng hành động và thoại vào cho vở diễn hay không. Quan điểm của tôi là cải lương, bộ môn kịch hát dân tộc nên thế mạnh vẫn là ca hát, cần phải phát huy và bảo tồn âm nhạc cải lương. Bản thân âm nhạc cải lương với những làn điệu bài bản phong phú đã chất chứa cảm xúc, xung đột mâu thuẫn cũng như hành động kịch. Vì vậy, tôi mong muốn nghệ sĩ của mình phải hát thật nhiều bởi đó là ưu thế của diễn viên cải lương”, NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ton-vinh-cach-song-uy-danh-chet-lam-liet-cua-tong-doc-nguyen-tri-phuong-2063162.html