Sử gia Lê Văn Hưu - Nhà giáo dục lớn!

Sử gia Lê Văn Hưu (1230 - 1322) người làng Phủ Lý nay thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa được tôn vinh là người đặt nền móng cho nền Quốc sử Việt Nam. Đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi, sau đó giữ chức Binh bộ Thượng thư, Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu quốc sử, ông cũng là người được cho là thầy học của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Từ nhỏ cậu bé Hưu đã có tiếng thông minh. Giai thoại kể về cậu học trò Hưu đến lò rèn mượn cái dùi sắt để đóng sách, ông thợ ra vế đối: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt”. Lê Văn Hưu liền đối lại: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi giành lấy khôi nguyên”. Có đôi chỗ chưa chuẩn về từ vựng nhưng vế đối lại cho thấy đó là người có tư chất, giàu khát vọng.

Đóng góp lớn nhất của Lê Văn Hưu là biên soạn “Đại Việt sử ký” (30 quyển, viết xong năm 1272) - ghi lại những sự việc quan trọng trong gần 15 thế kỷ (từ 207 trước Công nguyên đến 1244). Cuốn sử mang tính nền móng để sau này Ngô Sỹ Liên hoàn thành ngôi nhà lịch sử đồ sộ “Đại Việt sử ký toàn thư” - một kho báu của văn hóa nước nhà. Nhân cách, bản lĩnh, trước tác của sử gia đã để lại những bài học lớn cho hôm nay.

Bài học về tinh thần yêu nước, tinh thần không chịu yếu hèn, nô lệ cho ngoại bang không chỉ có trong sử, mà còn sâu đậm trong thần thoại, truyền thuyết Việt. Nhưng Lê Văn Hưu có cách viết riêng, thường là đặt vấn đề trong mối tương phản, đối nghịch để làm nổi bật cái đáng ca ngợi, tôn vinh và cái đáng phê phán, chê trách. Bàn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ông ca ngợi: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”.

Ngay sau đó là lời bình: “Tiếc rằng…, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”.

Đặt trong bối cảnh Nho học phong kiến đề cao đàn ông: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một nam nói có, mười nữ nói không) cùng quan niệm: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” (Nước nhà được mất, trách nhiệm thuộc đàn ông), càng thấy ý nghĩa của cái mỉa mai mang tính đánh thức tinh thần tự chủ, tự quyết; cái dũng cảm tranh biện với cả một ý thức hệ phong kiến cũ kỹ. “Bọn đàn ông” vốn vẫn lên mặt dạy đời coi đàn bà là “cơm nguội”, thế mà hiện ra thật thảm hại (cúi đầu, bó tay…). Một lời bình đích đáng như thế có giá trị hơn nhiều cuốn sách rao giảng đạo lý sáo mòn.

Chữ “lễ” vốn là điểm tựa ứng xử mang tính quy phạm, chuẩn mực của xã hội phong kiến tập quyền. Là “thiên tử”, thay mặt trời cai quản muôn dân, nhà vua phải là người coi trọng nhất chữ “lễ”. Thế nhưng vua Thần Tông lại phá vỡ quy định nghi lễ, tôn bố nuôi làm “Thái thượng hoàng”, mẹ nuôi làm “Hoàng thái hậu”. Lê Văn Hưu thẳng thắn vạch ra cái sai, lẽ ra chỉ phong làm “Hoàng thúc”, làm “Vương phu nhân” thì mới “một gốc”. Còn như vua đã làm, là đã tạo ra “hai gốc”. Cái thâm ý của sử gia qua cách dùng từ là cảnh báo sự tan vỡ của một triều chính bắt đầu từ sự coi thường lễ nghĩa ở cấp cao nhất. Cây chỉ có “một gốc” mới bình thường. Đây lại “hai gốc”, thì thừa ra một. Điều chẳng lành tất sẽ đến. Đây cũng là bài học cho hôm nay, không vì máu mủ ruột rà mà ban đặc quyền đặc lợi. Hãy vì cái “lễ” chung đối với quốc gia mà làm đúng bổn phận, trách nhiệm.

Cũng bài học về chữ “lễ”, sử gia chê vua Thần Tông, khi “Thái thượng hoàng” băng hà chưa qua một tháng mà đã “bỏ áo trở”, lại còn “đón hai phi hậu vào cung”. Ông mỉa mai, “làm thế thì không biết lấy gì để làm khuôn mẫu cho thiên hạ”. Lời bình còn hướng đến đám “bầy tôi” xu nịnh chỉ biết làm “thần vì” mà “không ai có một lời nói đến. Có thể bảo là trong triều không có người vậy”. Lời bình thật đau, vì nói thế khác nào nói vua quan đều như nhau cả, đều “thất lễ” hoặc đều đã chết. Đi ngược lại chữ “lễ”, coi thường phong tục, tập quán… sẽ là khởi đầu cho “mối loạn”.

Bàn nhiều đến vấn đề triều chính, cũng là một cách để sử gia nêu gương cho đời sau về cách quản trị đất nước. Cuốn sử kể nhiều chuyện lạ về các vua cùng sự thẩm bình, ca ngợi, phê phán rạch ròi, có căn cứ cùng lý lẽ chắc chắn, thuyết phục. Ông quan niệm kẻ làm vua phải biết giữ mình, đừng tham lam, hiếu sắc. Kẻ bề tôi phải biết nghị bàn can gián nhà vua. Ông gay gắt phê phán Lý Nam Đế lập 5 hoàng hậu, vì: “Từ xưa chỉ lập một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng. Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy”. Một cảnh báo, một bài học: người đứng đầu “chìm đắm trong tình riêng” ích kỷ, hẹp hòi sẽ là sự báo trước cho đại họa!

Lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu.

Lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu.

Bàn đến “chính danh”, sử gia phê phán vua Cao Tông bắt mọi người gọi mình là “Phật”, là chuyện “không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang”. Để tránh được bệnh này, trước hết vua phải học hành để biết đến “danh phận”. Chữ “danh” đi liền chữ “phận”, đã là vua thì biết “phận” (sự) làm tốt việc trị dân. Vì ít học nên Cao Tông không hiểu “danh phận” thành ra “khoe mẽ” lố bịch.

Thưởng phạt cũng là phép trị nước. Nếu thiếu nghiêm minh, tất gây ra sự bất hòa, tị nạnh, đố kỵ... Kể lại sự kiện thời vua Thần Tông có bề tôi chỉ nhờ việc dâng con hươu trắng (theo quan niệm hươu trắng là điềm lành) mà được phong quan to, lộc lớn, ông bình luận: “Phàm người xưa gọi là điềm lành, là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả”. Còn việc nhà vua vì dâng thú mà cho quan tước, là “lạm thưởng”, người không có công mà vẫn nhận thưởng là “lạm dụng”. Về nguyên nhân gây ra sự “lạm thưởng”, qua việc kể lại những chuyện ở triều Thái Tông “thưởng phạt không có phép tắc gì”, sử gia vạch rõ, là do vua “say đắm cái lòng nhân nhỏ của nhà Phật mà quên đi mất cái nghĩa lớn của người làm vua”. Một bài học bật ra: người cầm quyền phải có tầm nhìn xa, công bằng, nghiêm minh, lấy nghĩa lớn làm trọng, không lụy tình riêng...

Ý nghĩa hơn cả từ “Đại Việt sử ký” là bài học thương dân, vì dân, trọng dân sâu sắc. Tác giả lên án Lý Thái Tổ mộ Phật đến mức mới lên ngôi mà đã cho xây “tám chùa” trong khi đó “tông miếu” thờ tổ tông thì “chưa dựng”. Tức coi Phật còn hơn cả ông cha tổ tiên mình. Để dựng nhiều chùa, chỉ có cách “vơ vét bóc lột của dân”, trong khi đó: “Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng?”. Các câu hỏi đưa ra cũng chính là các câu trả lời. Nhức nhối, xót xa!

Rất đáng tiếc “Đại Việt sử ký” bị thất truyền, nội dung, giá trị nhiều mặt của tác phẩm chỉ còn được thể hiện qua những lời bàn của các sử gia sau này, như Ngô Sỹ Liên (“Đại Việt sử ký toàn thư”), Lê Tắc (“An Nam chí lược”), Lê Quý Đôn (“Đại Việt thông sử”)… Nhưng cũng đủ cho thấy chân dung Lê Văn Hưu - nhà sử học, nhà giáo dục lớn. Từ những cứ liệu trên cũng phần nào cho thấy tiêu chí, đặc trưng của phong cách viết sử rất đáng tham khảo cho khoa học xã hội nhân văn hôm nay.

Một là, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải coi trọng, đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc. Thế nên, ngoài ca ngợi Hai Bà Trưng, ông còn hết lời khẳng định, tôn xưng các anh hùng giữ nước khác như Đinh Bộ Lĩnh (tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời); Lê Hoàn (trừ nội phản, diệt ngoại xâm dễ như lừa trẻ con)…

Hai là, luôn vì dân, đặt quyền lợi của dân lên trên hết. Trên lập trường nhân dân ông đã phê phán, vạch rõ những cái sai trái của kẻ cầm quyền chỉ biết lợi ích riêng cá nhân mình. Ba là, đề cao đạo lý, lễ nghĩa - là rường cột tinh thần quốc gia. Bốn là, tôn trọng quy luật khách quan, vì sự thật mà viết, mà lý giải. Nhờ vậy cách nêu, lý giải vấn đề của ông đã mang màu sắc duy vật, biện chứng khá rõ.

Tin tưởng vào dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh (2030) UNESCO sẽ tôn vinh Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/su-gia-le-van-huu-nha-giao-duc-lon--i734939/