Sứ mệnh phát triển khoa học công nghệ

Ngày 11/5 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra sự kiện Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024. Giải thưởng này được thành lập cách đây 15 năm và Quỹ Hỗ trợ Giáo dục và Đào tạo Bảo Sơn nhằm tôn vinh trí tuệ Việt; là một trong những giải thưởng uy tín tại Việt Nam dành cho các công trình nghiên cứu, sáng tạo khoa học và nghệ thuật có giá trị ứng dụng cao, ý nghĩa nhân văn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cùng với Giải thưởng khoa học và công nghệ (KHCN) quốc tế đầu tiên người Việt Nam khởi xướng mang tên Quỹ VinFuture, chúng ta đang thấy việc tôn vinh các giá trị KHCN không còn là việc riêng của Nhà nước. Hay nói cách khác, thúc đẩy nghiên cứu KHCN đã, đang trở thành trách nhiệm chung của Nhà nước và tư nhân. Đó là sự gặp nhau về tầm nhìn và sứ mệnh.

Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn quan tâm đến KHCN và đội ngũ trí thức nghiên cứu KHCN. Nghị quyết 45 ngày 24/11/2023 của Trung ương (khóa 13) đã khẳng định: Đội ngũ trí thức là "nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp nguyên khí quốc gia; và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội".

Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) cũng xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có của KHCN gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang yêu cầu đất nước ta phải nắm bắt, tiếp cận với những công nghệ mới, làm chủ được xu thế và tình hình mới. Đó là yêu cầu rất nặng nề, thách thức cho giới trí thức KHCN Việt Nam, phải đưa được KHCN trở thành lực lượng sản xuất quan trọng, tăng giá trị sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đóng góp cho tăng trưởng hai con số của đất nước trong những năm tới.

Tại cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc, cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chỉ có KHCN, ĐMST mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới".

Những thành quả của đất nước sau 40 năm đổi mới có đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Nghị quyết 57 đã, đang tạo ra nguồn cảm hứng, động năng mới, cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học. Sau Nghị quyết này, dự thảo Luật KHCN & ĐMST đã, đang được hoàn thiện, kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý thúc đẩy sáng tạo.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/su-menh-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-post548314.html