SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU THẦU: ĐẢM BẢO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP VÀ CHUYÊN MÔN TRONG QUẢN LÝ ĐẤU THẦU

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 24/5, Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, ông Ninh Viết Định, nguyên Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu EVN, Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu 2012 VCCI nhận định: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần này đã được ban soạn thảo đầu tư nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm và lấy ý kiến góp ý rộng rãi, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện.

Ông Ninh Viết Định, nguyên Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu EVN, Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu 2012 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được ban soạn thảo đầu tư nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm và lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện. Tuy vậy, việc hiểu và vận dụng luật trong thực tiễn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tổ chức bộ máy quản lý đấu thầu, hệ thống cơ sở dữ liệu và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với từng hoạt động kinh tế xã hội, đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ, chính sách đánh giá, ưu đãi sản phẩm nội địa, chính sách môi trường... trong đó yếu tố con người và mô hình tổ chức sử dụng nguồn nhân lực có ảnh hưởng sâu rộng và lớn nhất.

Đảm bảo tính chuyên nghiệp và chuyên môn trong quản lý đấu thầu.

Ông Ninh Viết Định nêu quan điểm, cùng với các yêu cầu khác, tính chuyên nghiệp và chuyên môn trong quản lý đấu thầu là hai trụ cột quan trọng, yêu cầu vận hành đồng bộ, liên kết chặt chẽ với nhau sẽ mang tính quyết định trong quản lý đấu thầu. Trong đó, chuyên nghiệp là việc sử dụng bộ máy chuyên nghiệp, hiểu biết sâu về quy định, cơ chế vận hành của các quy trình, thủ tục của Luật Đấu thầu và đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn để kiểm chứng và nhạy bén trong xử lý các tình huống về đấu thầu. Chuyên môn là yêu cầu phải có sự tham gia trong quá trình thực hiện và quyết định đấu thầu những người hiểu biết chuyên môn sâu về hàng hóa, dịch vụ của gói thầu.

Ông Ninh Viết Định, nguyên Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu EVN, Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu 2012 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Ninh Viết Định, nguyên Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu EVN, Trưởng nhóm rà soát Luật Đấu thầu 2012 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Ninh Viết Định nêu thực tế một số vụ việc vừa qua cho thấy, có nơi việc thực hiện đấu thầu do những người quá thiên chuyên môn, hiểu sâu về hàng hóa, dịch vụ cần mua nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, hiểu về quy trình và thủ tục đấu thầu, hoặc có nơi ngược lại thiên về sử dụng bộ máy chuyên nghiệp nhưng thiếu chuyên gia hiểu biết về hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm. Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này chưa có quy định cụ thể về nội dung này và đã lược bỏ đi một số quy định liên quan đến yêu cầu chuyên nghiệp trong quản lý đấu thầu.

Quy định cụ thể hơn về hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tiến để phát triển công nghiệp Việt Nam.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã có các nội dung mang tính thực tiễn hơn trong việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, khuyến khích sản phẩm khởi nghiệp, sáng tạo, sản phẩm xanh... Tuy vậy, một số nội dung định hướng chủ trương, chính sách cần được quy định cụ thể hơn ngay trong luật này và nêu rõ nhiệm vụ các bộ, cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn cụ thể các giải pháp và lộ trình để thực hiện.

Thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII cũng như trong tiêu chí sửa đổi Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập đến các vấn đề liên quan khuyến khích tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam, khuyến khích sản phẩm sáng tạo, sản phẩm xanh, khuyến khích sáng tạo đề xuất giải pháp tiến tiến…

Mặc dù vậy, ông Ninh Viết Định cho rằng, việc ưu đãi hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay thế nhập khẩu và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Điều 10 của dự thảo luật chỉ mới nêu dưới dạng liệt kê danh mục, chưa đủ bao quát các đối tượng; chưa nêu rõ tiêu chí và nguyên tắc ưu đãi liên quan, nhất là đối với sản phẩm mới được chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để sản xuất trong nước và do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, các chủ đầu tư đang khó khăn khi vận dụng quy định pháp luật để thực hiện chủ trương trên, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước trong quá trình tiếp nhận công nghệ mới, tiên tiến từ nước ngoài.

Ông Ninh Viết Định nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm trong phát triển khoa học công nghệ và công nghiệp của Hàn Quốc được nêu trong nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới và cả tại Việt Nam và trở thành khuôn mẫu trong một số giáo trình giảng dạy tại các trường đại học. Bài học kinh nghiệm đó có thể được tóm tắt bằng công thức 4 bước: Từ (1) nhập khẩu, đến (2) bắt chước, (3) cải tiến và (4) sáng tạo. Nhập khẩu trong bước 1 được hiểu là bao gồm cả nhập khẩu hàng hóa đã sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu thiết kế, bản quyền sáng chế, công nghệ để sử dụng sản xuất hàng hóa trong nước, trong đó nhập khẩu công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, hữu hiệu tạo tiền đề cho các bước tiếp theo và làm tiền đề tăng tốc phát triển công nghệ trong nước. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Đối chiếu với một số tình huống thực tiễn hiện nay, ông Ninh Viết Định cho rằng, chủ trương đã rõ nhưng chính sách để thực hiện chưa đủ cụ thể nên một số ngành công nghiệp trong nước đang lúng túng ở bước 1 (nhập khẩu) - bước đầu tiên trong quy trình nêu trên. Không có kết quả thực hiện bước 1 tốt thì không thể nghĩ đến kết quả các bước tiếp theo (trong khi Hàn Quốc đang mạnh mẽ vượt lên trong bước (4).

Hơn nữa, nhiều báo cáo và tài liệu tổng kết phát triển công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua cũng đã chỉ ra các vướng mắc và đề xuất các giải pháp để khắc phục. Luật Đấu thầu có vị trí quan trọng, tác động trực tiếp đến thị trường sản xuất hàng hóa trong nước. Vì vậy cần góp phần, tiếp sức với một số nội dung quy định cụ thể, thực tiễn hơn để khi ban hành có thể nhanh chóng được thực thi hiệu quả.

Chưa quy định cụ thể nhiệm vụ của từng cơ quan qủan lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu.

Theo ông Ninh Viết Định, Điều 85 dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi) đã xác định 5 nhóm nội dung trong quản lý nhà nước, nhưng các điều khoản trong chương này chưa quy định đủ cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan quản lý nhà nước, nhất là đối với nhiệm vụ ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, hiện còn quá chung chung.

Ông Ninh Viết Định cho rằng, sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và chuyên môn trong quản lý đấu thầu.

Ông Ninh Viết Định cho rằng, sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và chuyên môn trong quản lý đấu thầu.

Cụ thể, đối với quy định về cơ sở dữ liệu và thông tin hỗ trợ đấu thầu, ông Ninh Viết Định cho rằng, để việc đánh giá lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý hợp đồng và thực thi các quy định của luật hiệu quả, cần làm rõ, bổ sung trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) một số nội dung cụ thể trong đó có việc xác lập hệ thống nguồn thông tin và nguyên tắc quản lý, sử dụng trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Với tiêu chí khuyến khích phát triển công nghiệp trong nước và quy định về giá đánh giá để so sánh lựa chọn nhà thầu có nêu “Giá đánh giá là giá dự thầu sau khi đã được sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có), cộng với các yếu tố để quy đổi trên cùng một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình và các yếu tố khác.

Vì vậy, ông Ninh Viết Định cho rằng, tại Chương X dự thảo Luật cần xem xét quy định cụ thể hơn và giao nhiệm vụ các cơ quan chính phủ có hướng dẫn, lộ trình và tổ chức thực hiện đối với từng nội dung. Các nội dung đó là quy định về nguồn thông tin, trách nhiệm thu thập, phân tích và đăng tải thông tin, kể cả mở rộng nguồn thông tin được xã hội hóa, nguồn tin từ quốc tế và tính pháp lý trong sử dụng; ban hành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, công nghệ mới, sản phẩm sáng tạo… của từng lĩnh vực và hướng dẫn phương pháp định lượng trong đánh giá lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; nguyên tắc sử dụng nguồn thông tin qua các kênh thông tin mở, xã hội hóa được công nhận. Bởi hiện nay thông tin còn nghèo nàn và thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể nên rất khó khăn trong sử dụng đưa vào đánh giá, so sánh các bản chào thầu để lựa chọn phương án tối ưu.

Về quy định ưu tiên nội địa, khuyến khích tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu và từng bước làm chủ công nghệ tiến tiến. Nội dung Điều 10 của dự thảo luật đã đề cập nhưng chưa nêu rõ ưu đãi liên quan sản phẩm mới chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để sản xuất trong nước thay hàng nhập khẩu. Bởi, việc ưu đãi về đánh giá năng lực và kinh nghiệm không chỉ liên quan đến hợp đồng tương tự, mà người mua quan tâm đến chất lượng sản phẩm và việc chứng minh năng lực sản xuất phải thông qua các tài liệu và chứng cứ cụ thể. Vì vậy ngoài nhà xưởng, thiết bị mới xây được khai báo các thông số năng lực thì các kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật thông qua bản quyền thiết kế, các tài liệu kỹ thuật khác như thí nghiệm mẫu... chứng minh tính kiểm chứng của sản phẩm sẽ chuyển giao cho đơn vị được nhận chuyển giao công nghệ công nghệ thừa hưởng thì mới đảm bảo và minh bạch.

Một sản phẩm mới hoàn toàn 100% do nhà sản xuất tự sáng chế sẽ phải chứng minh chất lượng qua dùng thử hay thí nghiệm kiểm chứng, khác với việc chứng minh kinh nghiệm và năng lực đối với sản phẩm chuyển giao công nghệ từ sản phẩm tương tự do hãng nổi tiếng sản xuất đã kiểm chứng qua sử dụng, nay chuyển giao cho nhà máy tại Việt Nam sản xuất, tương tự như các nhà máy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (ABB, Samsung) chỉ khác là nhà đầu tư là Việt Nam. “Nội dung chi tiết có thể chuyển sang hướng dẫn tại nghị định, nhưng khoản 7 điều 12 của Luật về ưu đãi lựa chọn nhà thầu cần cụ thể hơn một số nguyên tắc cơ bản, trong đó nguyên tắc kế thừa năng lực và kinh nghệm của đơn vị chuyển giao công nghệ cần được quy định rõ ngay”, ông Ninh Viết Định kiến nghị.

Góp ý về các quy định tại Chương VI của dự thảo luật về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu, ông Ninh Viết Định nhấn mạnh, việc đánh giá, xác định và phân chia quản lý rủi ro, quản lý thay đổi là nội dung quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn đến thành bại của quá trình thực hiện hợp đồng, vì vậy ban soạn thảo cân nhắc xem xét quy định bổ sung các quy định liên quan kiểm soát thông số kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông qua hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định cụ thể quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; hình thành hệ thống giữ liệu quốc gia chung theo nhiều tầng, cấp, nguyên tắc kết nối, sử dụng và công nhận tính pháp lý trong sử dụng từng nguồn thông tin…/.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76064