Sửa Luật Bảo hiểm xã hội có tác động khá lớn, liệu ngân sách có chịu nổi không?

Đại biểu Trần Khanh Thu thống nhất với sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, có tác động khá lớn tới nhiều đối tượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với sự thay đổi điều chỉnh này, liệu khả năng gánh chịu của ngân sách có chịu nổi không.

Góp ý vào quy định giảm độ tuổi từ 80 xuống 75 thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu thống nhất về vấn đề này và thấy là cần thiết. Tuy nhiên, về kỹ thuật thì nên đưa vào Luật này hay chỉnh sửa trong Luật Người cao tuổi để cần tiếp tục cân nhắc thêm để sao cho phù hợp và đồng bộ. Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 22 có quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Đại biểu đề nghị cần nên quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng so với mức lương tối thiểu. Tại điểm b Khoản 1 của Điều 22 quy định là tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách và kết hợp nguồn lực huy động nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đại biểu cho rằng quy định này chưa đảm bảo được nguyên tắc thống nhất, bình đẳng chung trong cả nước. Do đó, đề nghị cân nhắc xem xét quy định này và nên có chính sách chung cho cả nước.

Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trần Khanh Thu cơ bản thống nhất với phương án 2 vì vừa đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét việc xác định phần kinh phí cho rút 1 lần. Đó là chỉ được rút phần kinh phí người lao động đóng. không tính phần người sử dụng lao động hay ngân sách nhà nước đóng.

Ngoài ra, đại biểu Trần Khành Thu cũng đề nghị Chính phủ cần phải xác định được nguyên nhân của việc rút bảo hiểm xã hội; cần phải tham khảo, tham vấn thêm đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp. Đề nghị Ban soạn thảo cũng cần làm rõ và có những quy định cụ thể đối với các tình huống khi người lao động không quay lại làm việc để tiếp tục tham gia bảo hiểm thì 50% thời gian bảo lưu trên hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ được giải quyết như thế nào? Và một thời gian sau họ có được nhận lại phần bảo lưu này hay không? Trong trường hợp họ quay lại, tiếp tục muốn tham gia đóng bảo hiểm xã hội hay tham gia lao động thì người sử dụng lao động có quyền từ chối tuyển dụng họ vào để tiếp tục làm việc hay không? Và chưa tính tới việc khi họ quay lại thì họ có đủ điều kiện, về thời gian đóng cũng như điều kiện để hưởng lương hưu sau này có đủ hay không?

Về nội dung xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 37 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ đây là nội dung rất cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 2 quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động đã chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm và quy định này thì doanh nghiệp phải có thể ngừng hoạt động. Nếu ngừng sử dụng hóa đơn và điều này không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động đang hoạt động tại ở các cơ quan này. Về vấn đề này thì Điều 125 Luật Quản lý thuế đã có quy định, do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và cân nhắc về quyết định này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/sua-luat-bao-hiem-xa-hoi-co-tac-dong-kha-lon-lieu-ngan-sach-co-chiu-noi-khong-199642.htm