Sửa Nghị định 139 có giảm ùn tắc trong đăng kiểm?

Các chuyên gia kỳ vọng nhiều quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139 về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc kiểm định xe.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc bỏ quy định giới hạn số lượng xe được kiểm định trên 1 dây chuyền trong ngày tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, góp ý phù hợp với xu thế không ngừng nâng cao năng suất lao động của các đơn vị, tạo điều kiện để các đơn vị đăng kiểm ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình kiểm định và chủ động sắp xếp phương tiện kiểm định phù hợp với nguồn nhân lực sẵn có.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP. HCM và 1 số địa phương lân cận vẫn đang quá tải, số lượng xe được phát phiếu kiểm định đã kéo dài đến giữa tháng 5/2023, việc bỏ giới hạn năng suất kiểm định sẽ giúp các trung tâm đăng kiểm huy động, động viên nhân lực làm tăng ca, thêm giờ phục vụ người dân mà không lo vi phạm quy định này.

Tại dự thảo Nghị định 139 sửa đổi đã bỏ quy định giới hạn số lượng xe được kiểm định trên 1 dây chuyền trong ngày.

Tại dự thảo Nghị định 139 sửa đổi đã bỏ quy định giới hạn số lượng xe được kiểm định trên 1 dây chuyền trong ngày.

Theo ghi nhận, hiện nay, việc phát phiếu hẹn của các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cũng đang dựa trên tổng số xe mà dây chuyền kiểm định của các trung tâm này được phép kiểm định tối đa trong ngày theo quy định hiện hành (khoảng 60-70 xe/dây chuyền).

Do đó, khi quy định mới được áp dụng, nhiều trung tâm đăng kiểm cho biết sẵn sàng tăng năng suất để phục vụ người dân, sớm tháo gỡ tình trạng quá tải như hiện nay.

Nhiều phương tiện đến hạn kiểm định nhưng lại nhận được phiếu hẹn đăng kiểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 nên buộc phải để xe ở nhà “đắp chiếu”.

Nhiều phương tiện đến hạn kiểm định nhưng lại nhận được phiếu hẹn đăng kiểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 nên buộc phải để xe ở nhà “đắp chiếu”.

PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho biết, hiện nay, quy định điều kiện để cấp chứng nhận đăng kiểm viên rất chặt chẽ, sau khi tuyển dụng, những người thi đạt sẽ phải trải qua một khóa đào tạo, thực hành trong khoảng thời gian 1 năm mới được thi tuyển để cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc thường, còn để đạt đăng kiểm viên bậc cao, sẽ mất thêm thời gian 3 năm nữa kể từ khi trở thành đăng kiểm viên bậc thường. Do đó, không thể ngay lập tức có được nguồn nhân lực đăng kiểm viên bậc cao.

Với quy định mới, đã giảm số lượng đăng kiểm viên cần có trên 1 dây chuyền kiểm định, cụ thể, dự thảo Nghị định quy định: Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.

Trong khi quy định hiện hành: Mỗi dây chuyền đăng kiểm tối thiểu có 3 đăng kiểm viên và tối thiểu có 1 đăng kiểm viên bậc cao.

Theo ông Phúc, quy định mới này sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành các dây chuyền kiểm định tại trung tâm đăng kiểm, tăng năng suất kiểm định, từ đó góp phần tháo gỡ tình trạng quá tải đăng kiểm hiện nay.

Việc quá tải đăng kiểm trong thời gian dài gây khó khăn cho người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải.

Việc quá tải đăng kiểm trong thời gian dài gây khó khăn cho người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải.

Nói thêm về nguồn nhân lực cho hoạt động đăng kiểm, TS Khương Kim Tạo cho biết, trong dự thảo Nghị định tại quy định về đăng kiểm viên đã sửa đổi quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong trường hợp "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án" thành "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới".

"Đây là sửa đổi hợp lý, từ đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm có thể huy động các đăng kiểm viên đang tại ngoại quay lại làm việc", vị chuyên gia nói thêm.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sua-nghi-dinh-139-co-giam-un-tac-trong-dang-kiem-16923041210065471.htm