Sửa quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Bổ sung nhiều loại xe cơ giới

Theo dự thảo Thông tư, xe cơ giới bao gồm xe ô tô, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy và các xe tương tự các xe quy định trên.

Như vậy, so với quy định hiện hành, xe cơ giới được bổ sung thêm một số loại phương tiện khác như: xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Ngoài ra, bỏ xe máy kéo để quy định ở nhóm xe chuyên dùng.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo phân loại phương tiện giao thông đường bộ gồm: Xe cơ giới; xe máy chuyên dùng và xe thô sơ (ảnh minh họa).

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo phân loại phương tiện giao thông đường bộ gồm: Xe cơ giới; xe máy chuyên dùng và xe thô sơ (ảnh minh họa).

Trong đó, xe ô tô gồm xe có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ-moóc, kéo sơ-mi rơ-moóc hoặc được kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có thể được nối với đường dây dẫn điện; xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400kg; xe ô tô không bao gồm xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

Xe ô tô được phân loại thành các nhóm: Nhóm ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả người lái) trở lên; Nhóm ô tô chở người từ 10 chỗ (kể cả người lái) trở lên; Nhóm ô tô chở người chuyên dung; Nhóm ô tô tải thông dụng bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng; Nhóm ô tô tải chuyên dùng bao gồm các loại ô tô chở hàng có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt; Nhóm ô tô chuyên dùng; Ô tô đầu kéo; Ô tô kéo moóc (không bao gồm ô tô chở hàng có trang bị cơ cấu móc kéo; ô tô đầu kéo trang bị thêm cơ cấu móc kéo).

Đối với rơ-moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô, bao gồm: Nhóm rơ-moóc chở khách; Nhóm rơ-moóc chở hàng; Nhóm rơ-moóc chuyên dùng.

Sơ-mi rơ-moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ; được kéo bởi xe ô tô đầu kéo và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên xe ô tô đầu kéo. Sơ-mi rơ-moóc cũng được phân loại thành: Nhóm chở khách, nhóm chở hàng và nhóm chuyên dùng.

Trong khi đó, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe).

Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW.

Xe mô tô bao gồm: Xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400kg.

Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.

Dự thảo cũng quy định riêng một điều về xe máy chuyên dùng, bao gồm các loại: Xe máy thi công (xe, máy làm đất và vật liệu; xe, máy và thiết bị gia cố nền móng, mặt đường); Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp; Máy kéo; Rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi máy kéo; Xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt (như: Nhóm xe, máy và thiết bị nâng; Nhóm xe, máy và thiết bị sản xuất bê tông và vật liệu cho bê tông; Nhóm xe, máy chuyên dùng phục vụ trong sân gofl, khu vui chơi giải trí, kho cảng, bến bãi và trong sân bay); Các loại xe máy chuyên dùng khác và các loại xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

Đối với xe thô sơ, dự thảo Thông tư quy định bao gồm: Xe đạp (có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay); Xe đạp máy, gồm cả xe đạp điện (xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25km/h); Xe xích lô; Xe lăn dùng cho người khuyết tật; Xe vật nuôi kéo.

Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ được đề xuất xếp vào xe cơ giới, phù hợp với quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (ảnh minh họa).

Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ được đề xuất xếp vào xe cơ giới, phù hợp với quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (ảnh minh họa).

Phù hợp Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện nay, quy định chi tiết về phân loại phương tiện cơ giới đường bộ nói riêng và phương tiện giao thông đường bộ nói chung được quy định tại nhiều văn bản dưới luật khác nhau dẫn đến có những nội dung không thống nhất, thậm chí xung đột gây ra các vướng mắc đối với công tác quản lý nhà nước tại nhiều lĩnh vực.

Đơn cử như, xe bốn bánh có gắn động cơ chở người/chở hàng; xe máy chuyên dùng hiện quy định ở nhiều văn bản riêng khác nhau, không có trong quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ tại Luật Giao thông Đường bộ 2008.

Trong khi đó, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung các phương tiện trên vào quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ (Điều 35).

Mặt khác, Luật này cũng quy định giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; quy định dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Do đó, việc xây dựng dự thảo Thông tư trên là cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong việc phân loại phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-quy-dinh-ve-phan-loai-phuong-tien-giao-thong-duong-bo-19224092711300016.htm