Sức ép kinh tế gia tăng với cả Nga và Ukraine khi cuộc chiến kéo dài
Cuộc chiến chưa có hồi kết đang khiến cả Nga và Ukraine kiệt quệ tài chính. Thiếu hụt ngân sách, lạm phát, nợ xấu và bất ổn đang thách thức nghiêm trọng đến tương lai hai nền kinh tế.

Cuộc đọ sức không chỉ trên chiến trường mà còn trên mặt trận tài chính. Khi Ukraine chật vật vay nợ, Nga đối mặt khủng hoảng ngân hàng, xung đột trở thành cuộc đua sống còn về kinh tế (trong ảnh: Binh sĩ Ukraine sử dụng pháo M777 của Mỹ trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Kharkiv). Ảnh: AP/TTXVN
Theo tờ Kyiv Post (kyivpost.com) của Ukraine ngày 19/7, cuộc xung đột Nga-Ukraine, vốn được nhiều người cho rằng sẽ sớm kết thúc, đang kéo dài ngoài dự kiến, đẩy cả hai quốc gia vào một cuộc chiến tiêu hao kinh tế đầy cam go. Khi thời gian trôi đi, những áp lực tài chính ngày càng chồng chất, đe dọa sự ổn định của cả Kiev và Moskva, đồng thời đặt ra những câu hỏi cấp bách cho các đối tác quốc tế.
Gánh nặng tài chính của Ukraine: Cuộc đua với thời gian
Các nhà kinh tế từ Trường Kinh tế Kiev (KSE) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng: nếu cuộc chiến kéo dài đến năm 2026, Ukraine có thể đối mặt với khoản thiếu hụt ngân sách quốc phòng lên tới 18 tỷ USD. Đây là một kịch bản mà các nhà hoạch định chính sách hiện tại chưa có kế hoạch tài chính cụ thể, trong khi thời gian đang cạn dần. Mặc dù có những lời hứa đàm phán, các cuộc tấn công liên tiếp của Nga cho thấy Moskva có ý định tiếp tục cuộc chiến, tạo ra một khoảng trống tài chính lớn vào năm 2026 mà Kiev và các đồng minh chưa tính đến.
Các tổ chức quốc tế cũng chia sẻ mối lo ngại này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo xung đột có thể kết thúc vào quý II năm 2026 theo kịch bản tiêu cực của họ, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo Ukraine chỉ đạt mức tăng trưởng 2% GDP vào năm 2026 nếu an ninh không được khôi phục. Chính phủ Ukraine cũng dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức cao, chỉ giảm từ 15% xuống 7,5% vào năm 2028, đẩy chi phí sản xuất lên cao và giữ GDP thực tế ở mức 2,4% vào năm 2026, thấp hơn nhiều so với dự báo phục hồi hậu chiến.
Trước áp lực này, Ukraine đã nỗ lực hết mình. Doanh thu thuế đã tăng 15% (sau điều chỉnh lạm phát) từ năm 2022 đến 2025 so với năm 2021, và vay nợ trong nước cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, các chương trình tài chính vĩ mô hiện tại như khoản vay Tăng tốc doanh thu bất thường (ERA) và Cơ sở Ukraine sẽ sớm hết hạn, khiến Ukraine rơi vào tình trạng bất ổn tài chính nghiêm trọng. Với thâm hụt ngân sách dự kiến là 46,3 tỷ USD vào năm 2026 và chỉ 15,1 tỷ USD hỗ trợ từ IMF, ERA và Cơ sở Ukraine, Kiev vẫn còn khoảng cách tài trợ khoảng 17,7 tỷ USD.
Chi phí quốc phòng của Ukraine cũng không ngừng tăng lên, từ 49 tỷ USD vào năm 2022 lên 73 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025, và dự kiến sẽ duy trì ở mức 73,7 tỷ USD vào năm 2026. Điều này đang đẩy tỷ lệ nợ trên GDP của Ukraine tăng vọt, từ dưới 50% trước cuộc chiến lên 84,6% vào năm 2024 và gần 100% vào cuối năm 2026.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergiy Marchenko đã đề xuất một kế hoạch để phương Tây hỗ trợ tài chính trực tiếp cho quân đội Ukraine, nhấn mạnh rằng "việc duy trì Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ tốn kém một phần nhỏ GDP của châu Âu so với chi phí khổng lồ nếu Nga tấn công trực tiếp các nước EU và NATO". Viện nghiên cứu Bruegel ước tính EU sẽ cần chi thêm khoảng 250 tỷ euro mỗi năm chỉ để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào châu Âu.
Nga: Nguy cơ cạn kiệt nguồn lực cho tăng trưởng
Trong khi Ukraine vật lộn tìm kiếm nguồn tài chính, Nga vẫn duy trì vẻ ngoài ổn định, với người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga có "lợi thế chiến lược" trên chiến trường. Tuy nhiên, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã thừa nhận Nga đang cạn kiệt nguồn lực để tăng trưởng kinh tế.
Các số liệu chính thức của Điện Kremlin cũng đang bị đặt dấu hỏi. Ngân hàng Trung ương Nga công bố tỷ lệ lạm phát hàng năm điều chỉnh theo mùa (SAAR) ở mức 4% vào tháng 6/2025, nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cảnh báo con số này có thể gây hiểu lầm, khi tỷ lệ lạm phát chính thức hàng năm vẫn ở mức trên 9%. ISW nhận định nền kinh tế thời chiến của Nga đang bị "thổi phồng bởi tín dụng", và hiệu ứng tạm thời của đồng rúp mạnh lên đang bắt đầu mờ nhạt.
Thị trường lao động Nga cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các khoản tiền thưởng khổng lồ để thu hút tân binh đã gây áp lực lên ngân sách và tạo ra lạm phát trong ngành dịch vụ, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động. ISW cảnh báo rằng việc Nga trả lương cao cho binh lính là không bền vững và sẽ làm nền kinh tế Nga thêm bất ổn. Điện Kremlin đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục chi trả cao sẽ gây lạm phát, nhưng cắt giảm sẽ khiến việc tuyển quân gặp khó.
Bên cạnh đó, một cuộc khủng hoảng nợ âm thầm đang diễn ra trong ngành ngân hàng Nga. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng 1,2% vào năm 2025, nâng tổng số lên 4%, và một số nhà phân tích dự báo có thể lên tới 6-7% vào năm 2026. Mặc dù Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nabiullina bác bỏ nguy cơ khủng hoảng hệ thống, ISW cho rằng Ngân hàng Nga đang tái cấu trúc nợ một cách lặng lẽ và tự chịu tổn thất – một chiến thuật rủi ro.
Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở công nghiệp của Nga, như nhà máy lọc dầu ở Novokuibyshevsk cách biên giới hơn 800 km, cho thấy giao tranh đang trở về chính lãnh thổ Nga, làm tăng thêm áp lực kinh tế và tâm lý.
Có thể thấy cuộc chiến kéo dài đang đẩy cả Nga và Ukraine vào tình thế kinh tế khó khăn. Ukraine cần sự hỗ trợ tài chính bền vững và kịp thời từ phương Tây để duy trì khả năng phòng thủ và tránh một "kịch bản không tăng trưởng". Trong khi đó, nền kinh tế Nga, dù bề ngoài vẫn vững vàng, đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại từ lạm phát, thiếu hụt lao động và khủng hoảng nợ tiềm ẩn.