'Sức mạnh Nhân đạo' 2024: Hỗ trợ 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết trọn vẹn

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Chương trình 'Sức mạnh Nhân đạo' 2024 vận động nguồn lực chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trong Phong trào 'Tết Nhân ái' của toàn Hội và khởi động Chiến dịch 'Triệu bước chân nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng'.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Ái Châu)

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Ái Châu)

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập Đỏ và những người làm công tác nhân đạo đã có nhiều đóng góp đáng tự hào và đang tiếp tục kiên định với những nguyên tắc tạo nên giá trị của Hội như nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu.

Mỗi nghĩa cử cao đẹp, mỗi bước chân nhân ái đóng góp cho Chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái-Tiếp nối trang sử vàng” sẽ làm cho niềm vui, niềm hy vọng của hàng triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết thêm đủ đầy, trọn vẹn hơn; đồng thời lan tỏa phong trào thể thao thiện nguyện rộng khắp.

Đây là sự kiện thường niên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm tôn vinh các đối tác trong và ngoài nước đóng góp cho hoạt động nhân đạo và phong trào Chữ thập đỏ trong năm qua, qua đó lan tỏa tinh thần Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng; đồng thời vận động nguồn lực để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025; chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2024).

Lễ phát động Chiến dịch “Triệu bước chân Nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình. (Ảnh: Ái Châu)

Lễ phát động Chiến dịch “Triệu bước chân Nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình. (Ảnh: Ái Châu)

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ, toàn hệ thống Hội phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng. Thời gian triển khai các hoạt động từ ngày 7-26/1/2025 (tức ngày 8-27/12 Âm lịch); trong đó, cao điểm từ ngày 14-23/1/2025 (tức ngày 15-24/12 Âm lịch).

Đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2024, nhất là tại các địa phương phía Bắc chịu tác động nặng nề của bão số 3; những nhóm dễ bị tổn thương khác; người không có điều kiện vui Xuân, đón Tết cùng gia đình do hoàn cảnh neo đơn, khó khăn…

Tiếp sau chương trình, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chương trình Gặp gỡ Đối tác năm 2024 với chủ đề "Doanh nhân - Điểm hẹn nhân ái". Chương trình nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác doanh nghiệp, tạo dựng mối quan hệ gắn kết, ấm áp và chân thành. Đây cũng là dịp để các đối tác giao lưu, chia sẻ những câu chuyện thành công trong công tác nhân đạo, góp phần nâng cao sự gắn kết và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của các chương trình phối hợp trong hoạt động nhân đạo của Hội.

Chiến dịch được triển khai trên nền tảng thể thao trực tuyến vRace, diễn ra từ ngày 23/11/2024-28/4/2025. (Ảnh: Ái Châu)

Chiến dịch được triển khai trên nền tảng thể thao trực tuyến vRace, diễn ra từ ngày 23/11/2024-28/4/2025. (Ảnh: Ái Châu)

Trong khuôn khổ chương trình "Sức mạnh Nhân đạo" 2024 đã diễn ra lễ phát động Chiến dịch “Triệu bước chân Nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng” với gần 600 đại biểu, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Hà Nội và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đi bộ hưởng ứng Chiến dịch.

Chiến dịch được triển khai trên nền tảng thể thao trực tuyến vRace, diễn ra từ ngày 23/11/2024-28/4/2025 với mục tiêu thu hút 200.000 người tham gia đi bộ/chạy bộ, đạt 5 triệu km và quyên góp 5 tỷ đồng.

Người tham gia có thể đăng ký qua website https://vrace.com.vn/race/trieu-buoc-chan-nhan-ai hoặc trên ứng dụng vRace, ghi lại hành trình thể thao của mình và chia sẻ với cộng đồng. Chiến dịch không chỉ là một hành động thể thao mà còn là dịp để mỗi cá nhân, tổ chức kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc và lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu nước, hòa bình trong cộng đồng...

Trong khuôn khổ Chương trình “Sức mạnh Nhân đạo” 2024 đã diễn ra Triển lãm ảnh “75 năm các Công ước Geneva - Một bộ quy tắc mà tất cả chúng ta đều đồng lòng” với 50 bức ảnh thể hiện chân thực và sinh động hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực thi các Công ước Geneva.

Các Công ước Geneva năm 1949 và các Nghị định thư bổ sung là nền tảng của Luật Nhân đạo quốc tế - đã đưa ra những quy tắc quan trọng nhất nhằm hạn chế sự tàn khốc của chiến tranh; bảo vệ những người không tham chiến (thường dân, y tế, nhân viên cứu trợ) và những người không còn khả năng tham chiến (thương binh, bệnh binh, tù binh chiến tranh).

Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi Công hàm tới Chính phủ Thụy Sỹ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Geneva về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh để Hội Hồng thập tự Việt Nam có điều kiện gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động.

Ngày 4/11/1957, Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Ái Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-manh-nhan-dao-2024-ho-tro-12-trieu-nguoi-ngheo-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-don-tet-tron-ven-294866.html