Suy nghĩ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở trong tình hình hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quán triệt quan điểm 'dân là gốc', nhân dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng và xác định công tác dân vận là vấn đề có tính chiến lược, là điều kiện quan trọng để củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thu phục được lòng dân, làm cho dân tin, dân theo thì việc khó mấy cũng thành công. Đó chính là kinh nghiệm của cha ông ta trong lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành quan điểm 'Dân vận khéo thì việc khó mấy cũng thành công'.

Vận động các nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THIỆN HẢI

Vận động các nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THIỆN HẢI

Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả cán bộ, đảng viên, cán bộ đoàn thể và hội viên của các tổ chức nhân dân, trong đó, công tác dân vận ở cơ sở giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để có kết quả tốt trong công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những việc mà tổ chức Đảng và cơ quan, tổ chức, những người làm công tác dân vận ở cơ sở phải làm, đó là: Thứ nhất, phải giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng về lợi ích, quyền và nghĩa vụ của họ để họ đồng thuận, hăng hái làm cho kỳ được. Thứ hai, bất kỳ việc gì cũng phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi hướng dẫn, động viên và cùng nhân dân thực hiện. Thứ ba, nghiên cứu, phân tích mọi mặt biến đổi trong nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mặt mạnh, mặt hạn chế của họ để có nội dung, phương thức công tác dân vận thích hợp với từng đối tượng, khai thác, phát huy thế mạnh của nhân dân trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ của địa phương. Thứ tư, trong quá trình thực hiện kế hoạch, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, động viên, giúp đỡ và khuyến khích nhân dân; khi thi hành xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Thứ năm, vấn đề cần đặc biệt chú ý là, phải đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các giai cấp, dân tộc và tầng lớp dân cư trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc trong đóng góp và hưởng thụ thành quả đạt được.

Những điều nói trên cũng chính là nền tảng tư tưởng cho phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” được Đảng ta đúc kết, quán triệt, vận dụng, phát triển ngày càng sâu sắc trong quá trình lãnh đạo cách mạng, vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Thực hiện tốt công tác dân vận để huy động sức dân tham gia phòng, chống dịch, thông qua việc nấu suất ăn miễn phí cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thực hiện tốt công tác dân vận để huy động sức dân tham gia phòng, chống dịch, thông qua việc nấu suất ăn miễn phí cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Công tác dân vận là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng, nhất là trong thời điểm hiện nay - thời điểm mà đất nước có nhiều cơ hội và thách thức đan xen; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những khó khăn, yếu kém của đất nước, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, lôi kéo quần chúng của các thế lực thù địch nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng, Nhà nước hòng xóa bỏ CNXH ở nước ta. Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở, cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, các cấp ủy tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và đường lối công tác dân vận của Đảng, từ đó nhận thức đúng đắn hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp tục thể chế hóa và thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân dám sát, dân hưởng thụ”; xây dựng và thực hiện quy chế phục vụ nhân dân.

Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm của Đảng về công tác dân vận, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thực hiên nghiêm túc cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của địa phương phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Duy trì nền nếp và chất lượng công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, nhất là phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng gia đình văn hóa và xóm ấp văn hóa, cuộc sống lành mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội.

Thứ tư, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung công tác tuyên truyền miệng thông qua các vị ủy viên ủy ban mặt trận Tổ quốc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, người có uy tín trên địa bàn dân cư. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, sâu sát với đoàn viên, hội viên của mình, am hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề đạt với cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có đạo đức cách mạng trong sáng, thật sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và khóa XIII gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao vai trò trách nhiệm và tính nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực, nhất là về đạo đức, lối sống, phong cách công tác nói đi đôi với làm, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên và những cá nhân “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

KIÊN TRUNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/suy-nghi-ve-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-dan-van-o-co-so-trong-tinh-hinh-hien-nay-52347.html