Suy tim - thách thức của y học

Theo các chuyên gia y tế, suy tim là tình trạng cơ tim suy giảm khả năng bơm máu, dẫn đến cung cấp không đủ máu và oxy cho nhu cầu cơ thể, làm giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ tử vong cao. Ước tính Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người suy tim. Trong khi các lĩnh vực khác ngày càng nhiều tiến bộ điều trị thì suy tim vẫn là thách thức lớn của y học.

Suy tim được coi là “đích đến” cuối cùng của các bệnh lý tim mạch.

Suy tim được coi là “đích đến” cuối cùng của các bệnh lý tim mạch.

Nguy cơ tử vong cao

Theo Bộ Y tế, mỗi năm khoảng 200.000 người Việt chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong, gấp đôi số người mất vì ung thư. Việt Nam chưa có thống kê về suy tim, song theo các chuyên gia y tế, với mức độ già hóa dân số ngày càng tăng và số lượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tăng dần thì dự báo tỷ lệ mắc suy tim có thể càng tăng trong thời gian tới.

Theo GS.BS Đặng Vạn Phước - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, suy tim là giai đoạn sau cùng, ngõ cuối của nhiều bệnh như đái tháo đường và các bệnh tim mạch, huyết áp cao, song vẫn chưa có những giải pháp quan trọng để cải thiện tiên lượng của bệnh.

GS Phước cũng cho hay, số ca tử vong do tim mạch hiện vẫn ở hàng đầu, vượt trên các nguyên nhân khác, kể cả ung thư. Với một số bệnh lý tim mạch, y khoa đã có những tiến bộ rất lớn trong điều trị song một khi đã xảy ra bệnh suy tim, việc ngăn chặn tiến triển, biến chứng của bệnh gặp nhiều khó khăn, nên vấn đề quan trọng là cần phòng ngừa sớm. Xu hướng của y học thế giới hiện nay là phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và giải quyết, kiểm soát tốt các yếu tố đó, không để chuyển qua giai đoạn suy tim với các biến chứng nặng nề.

Theo TS Vũ Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Đây được biết đến là một hội chứng lâm sàng phức tạp. Dấu hiệu chính của suy tim thường là khó thở, mệt, phù, đi tiểu ít, đau ngực, rối loạn nhịp. Các triệu chứng này là hậu quả của tình trạng ứ dịch tại phổi và các cơ quan khác như gan, chi dưới, từ đó giảm tưới máu cho các mô trong cơ thể, làm giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ tử vong cao. Ước tính Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người suy tim. Tỷ lệ tử vong do tình trạng này trong năm đầu tiên là 25%, 50% sau 5 năm.

Tuy nhiên, thống kê tại Bệnh viện Tim Hà Nội cho thấy khoảng 10% người suy tim không quay lại tái khám, khiến tỷ lệ tử vong ở bệnh này cao. Bệnh nhân không tái khám, tự mua, dùng đơn thuốc cũ, dẫn đến nguy cơ bệnh tăng nặng, tái nhập viện.

Ngăn biến chứng suy tim

Theo BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, với người bệnh suy tim cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học có thể cung cấp cho người bệnh đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời hạn chế nạp Natri. Lượng Natri khuyến cáo là không quá 2g/ngày. Muối và các thực phẩm như sò, nghêu, đồ muối chua… là nguồn cung cấp natri mà người bị suy tim cần hạn chế. Những người suy tim nặng thậm chí phải ăn nhạt hoàn toàn. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ. Cụ thể là hoa quả, các loại rau, đậu và ngũ cốc. Các thực phẩm này giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời kiểm soát cholesterol, lượng đường trong máu. Bệnh nhân nên giảm lượng chất béo, đồng thời hạn chế các loại thịt đỏ, thịt mỡ, ưu tiên chế biến các món hấp, luộc. Ngoài ra việc bệnh nhân phải sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy tim sẽ làm cho lượng kali bị giảm đáng kể, cần bổ sung các thực phẩm giàu kali như: bông cải xanh, chuối, bơ,…

Theo BS Tuấn, để phòng tránh và phát hiện sớm các biến chứng, mỗi người cần theo dõi sức khỏe của mình, trong đó cảnh giác với triệu chứng ho có đờm hay bọt hồng. Đây có thể là biểu hiện của cơn phù phổi cấp. Bên cạnh đó, nên theo dõi sát diễn biến cân nặng vì ở giai đoạn này, người bệnh sụt cân rất nhanh. Trong trường hợp khẩn cấp, để giúp dễ thở và bớt ho, nên cho người bệnh nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi bằng cách kê cao gối.

Theo các chuyên gia tim mạch, hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi suy tim. Nhất là ở giai đoạn cuối, việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn. Thời gian sống của người bệnh suy tim ở giai đoạn này rất khó xác định. Có người tính bằng năm, nhưng cũng có người chỉ vài tháng hay vài tuần. Việc chăm sóc, theo dõi, động viên giúp người bệnh có tinh thần lạc quan, thoải mái là vô cùng quan trọng.

Với bệnh nhân suy tim ở giai đoạn cuối hầu như đã không còn đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc nữa nhưng việc sử dụng thuốc đều đặn vẫn là điều quan trọng nhằm giảm nhẹ tình trạng phù, khó thở. Bệnh nhân hoặc người nhà cần đảm bảo tuân thủ việc dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm dùng đúng thuốc, đúng liều, không tự ý ngưng thuốc, thay đổi loại thuốc. Không tự ý uống các loại thuốc ngoài đơn được kê mà không tham khảo chuyên gia.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suy-tim--thach-thuc-cua-y-hoc-5714554.html