Tác giả 104 tuổi giành giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2024

Tác phẩm 'Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)' của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư là 1 trong 3 tác phẩm được trao giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2024.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn (giữa) chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn (giữa) chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Tối 29/11, Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 - năm 2024 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tới dự sự kiện có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các tác giả nhận giải A

Các tác giả nhận giải A

Từ 372 đầu sách và bộ sách đến từ 51 NXB trên cả nước tham dự, Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024 được trao 59 giải thưởng cho 58 bộ sách, cuốn sách. Trong đó có 3 giải A, 10 giải B, 21 giải C, 21 giải Khuyến khích và 4 giải Sách được bạn đọc yêu thích.

NXB Phụ nữ Việt Nam có 2 tác phẩm được trao giải, trong đó 1 giải B thuộc về Bác Hana (tác giả Alena Mornštajnová, người dịch: Bình Slavická), 1 giải C thuộc về Xứ sở Miên Man (tác giả Jun Phạm, liên kết xuất bản cùng Skybooks Việt Nam).

3 tác phẩm được giải A (trị giá 100 triệu đồng/giải) được trao cho 3 tác phẩm: Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) của tác giả Nguyễn Đình Tư; Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa (PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ chủ biên); Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tác phẩm Người thầy (tác giả Nguyễn Chí Vịnh, NXB Quân đội nhân dân) đồng thời giành 2 giải: Giải C và giải Sách được bạn đọc yêu thích.

Góc trưng bày tác phẩm đạt giải A trong khuôn khổ Lễ trao giải

Góc trưng bày tác phẩm đạt giải A trong khuôn khổ Lễ trao giải

Đáng chú ý, tác giả Nguyễn Đình Tư đã 104 tuổi (sinh năm 1920). Bộ sách đạt giải A của ông được đánh giá cao bởi không chỉ mang nhiều dấu ấn về lịch sử mà cả dấu ấn của công trình địa chí văn hóa với nội dung phong phú, văn phong chính xác.

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: Giải thưởng năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản, người làm xuất bản cả nước. Các cuốn sách, bộ sách được trao giải đều là những xuất bản phẩm được đầu tư công phu, giàu tâm huyết, có giá trị tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực. Nhiều cuốn sách là hiện tượng của xuất bản, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, yêu mến của độc giả, nhất là độc giả trẻ.

"Qua các cuốn sách, bộ sách được trao giải, chúng ta càng tự hào và trân trọng tinh thần lao động bền bỉ, khoa học, nghiêm túc, sự tâm huyết và khối lượng tri thức đồ sộ mà các tác giả, học giả, nhà xuất bản đã đem đến cho công chúng, độc giả và xã hội. Điều đó cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh của nền xuất bản cách mạng trước yêu cầu mới", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Xuất bản góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc

Để Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng được nâng tầm, trở thành một trong những sự kiện văn hóa lớn của quốc gia; đưa việc đọc sách trở thành thói quen, một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội; để ngành xuất bản thực hiện thành công nhiệm vụ "tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa" mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ trao giải

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ trao giải

Trong đó, ông nhấn mạnh: "Cần xác định rõ Giải thưởng Sách Quốc gia không chỉ là việc lựa chọn, thẩm định và tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là kiến tạo môi trường lành mạnh để các nhà văn hóa, nhà khoa học, các tác giả thể hiện năng lực bản thân, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn mới, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp giá trị thụ hưởng văn hóa của người dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy dân chủ, tinh thần cầu thị, cởi mở trong tiếp nhận tri thức mới, văn hóa mới là vấn đề rất quan trọng, mang tính then chốt để thúc đẩy, khuyến khích, phát huy, khai phá năng lực sáng tạo của các nhà văn hóa, nhà khoa học, các tác giả và công chúng cả nước".

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Cơ cấu Giải thưởng cần tiếp tục mở rộng các hạng mục như: Sách điện tử; Sách nói; Sách cẩm nang… Nghiên cứu bổ sung các hình thức giải thưởng cho các tác phẩm của tác giả trẻ, sách có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, hoặc sách đổi mới. Theo ông Nghĩa, việc mở rộng cơ cấu, hạng mục giải thưởng sẽ khuyến khích các thể loại sách tham gia giải ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều tác phẩm có giá trị được công nhận, lan tỏa.

"Chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người Việt Nam. Và, không ai khác, lĩnh vực xuất bản phải góp phần đáng kể trong việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh", ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

P.V

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tac-gia-104-tuoi-gianh-giai-a-giai-thuong-sach-quoc-gia-2024-20241129222810395.htm