Tác giả chia sẻ 'chuyện hậu trường' biên soạn SGK Ngữ văn bậc trung học phổ thông
PGS.TS Hà Văn Minh và đội ngũ biên soạn đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành bộ sách giáo khoa đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu chuyên môn.
.t1 { text-align: justify; }
Sách giáo khoa Ngữ văn thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành là thành quả của quá trình lao động tập thể nghiêm túc và đầy tâm huyết của đội ngũ những nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà giáo trên cả nước.
Là một trong những tác giả trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn (bậc trung học phổ thông) bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh – Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ về hành trình biên soạn sách giáo khoa với nhiều cung bậc cảm xúc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh cho hay, sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là một sản phẩm tập thể, do nhiều nhà nghiên cứu, nhà sư phạm Ngữ văn tham gia biên soạn.
Do cấu trúc mỗi bài học của bộ sách được tổ chức theo trục đọc – viết – nói – nghe nên mỗi bài học đều bao gồm nhiều phần tương ứng, trong khi “thế mạnh” của một tác giả nhiều khi không bao trùm hết được những mảng tri thức liên quan đến các phần ấy.
Vì vậy, về cơ bản, sau khi đã thống nhất đề cương chi tiết, mỗi tác giả hoặc nhóm nhỏ tác giả được Tổng chủ biên và Chủ biên phân công khởi thảo một hoặc một số phần các bài học. Sau đó, tập thể tác giả sẽ được phân công bổ sung, góp ý, chỉnh sửa nhằm đảm bảo bộ sách có được một diện mạo cân đối, logic,…
“Nói cách khác, bộ sách không phải được ‘lắp ghép’ bởi các phần đơn lẻ của từng người biên soạn. Vì vậy, cũng khó phân định rạch ròi hay chi tiết từng phần nội dung cụ thể mà mỗi tác giả biên soạn.
Xét về trách nhiệm khởi thảo, tôi chủ yếu được phân công biên soạn chính những phần về tri thức ngữ văn và ngữ liệu đọc hiểu liên quan đến các tác giả, tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm cũng như một số phần có liên quan đến việc giải thích từ Hán Việt,…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh thông tin.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình biên soạn sách giáo khoa của đội ngũ tác giả, thầy Minh cho biết: “Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là cần hoàn thành bản thảo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 đúng tiến độ để kịp tham gia các vòng thẩm định quốc gia, trong khi bối cảnh dịch COVID-19 thời điểm đó đang diễn biến phức tạp.
Nếu như việc viết giáo trình hay làm nghiên cứu về cơ bản có thể tiến hành độc lập, thì biên soạn sách giáo khoa lại đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ theo nhóm, mà làm việc trực tiếp gần như là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, toàn bộ quá trình này buộc phải chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến trong thời gian dài. Điều đó đặt ra không ít trở ngại, đội ngũ tác giả và biên tập viên đã phải cố gắng rất nhiều để thích ứng và vượt qua những bất lợi của môi trường làm việc online.
Khó khăn thứ hai là chúng tôi phải nhiều lần cân nhắc, điều chỉnh hoặc thay thế văn bản – ngữ liệu trong quá trình thẩm định của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Lý do thì đa dạng, chẳng hạn nhạy cảm về nội dung, không tiêu biểu về thể loại cần dạy trong bài, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, hoặc đơn giản là không thỏa thuận được bản quyền tác phẩm,...
Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, hội đồng thẩm định cũng đứng trước nhiều áp lực và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng chính vì thế mà trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng không tránh khỏi những cuộc tranh luận khá căng thẳng. Áp lực lớn nhất đến từ thời gian chỉnh sửa quá ngắn, các tác giả thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, nhiều đêm thức khuya hoàn thiện bản thảo để kịp tiến độ là chuyện diễn ra khá thường xuyên trong suốt những năm tham gia biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn”.

Tập thể đội ngũ tác giả và biên tập viên tham gia biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn bậc trung học phổ thông.
Về những thuận lợi trong quá trình biên soạn sách, thầy Minh cho rằng đó là sự đồng thuận cao về quan điểm đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng giữa các thầy cô. Nếu có bất đồng đáng kể thì đội ngũ tác giả sẽ không thể đi cùng nhau đến những trang sách cuối cùng của hành trình thay đổi sách giáo khoa này.
Mặc dù có nhiều tranh luận trong quá trình làm việc, nhưng nhóm tác giả luôn giữ được sự gắn kết và tôn trọng lẫn nhau. Thành quả đáng trân trọng sau nhiều năm cùng đồng hành không chỉ là những cuốn sách giáo khoa có chất lượng tốt, được giáo viên và học sinh đón nhận tích cực, mà còn là tình đồng nghiệp, tình bằng hữu bền chặt được vun đắp qua biết bao gian khó, sẻ chia.
Đồng thời, sự miệt mài, tỉ mỉ và cả những lời nhắc tiến độ đầy trách nhiệm nhưng rất chân thành từ các biên tập viên cũng đã góp phần tạo nên một nguồn động lực tinh thần đáng quý cho cả tập thể.

Theo thầy Minh chia sẻ, so với công việc giảng dạy, nghiên cứu hay viết sách chuyên môn, việc tham gia biên soạn sách giáo khoa cũng mang lại cho đội ngũ tác giả những trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ.
Theo thầy Minh, dù là giảng dạy, nghiên cứu ở bậc đại học hay biên soạn sách giáo khoa phổ thông thì đều là hành trình dấn thân đầy gian truân và vất vả như nhau. Tất cả đều diễn ra trong một không gian khoa học sư phạm sống động, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và sẵn sàng đón nhận thử thách.
Tuy nhiên, việc biên soạn sách giáo khoa lại có những điểm khác biệt nhất định, khi công việc này đòi hỏi các tác giả phải chuyển vận được những tri thức hàn lâm, thiên về lý thuyết vào thực tiễn dạy học sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, vốn sống và khả năng tiếp nhận của học sinh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
Bên cạnh đó, đội ngũ tác giả sách giáo khoa Ngữ văn thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hầu hết là giảng viên đang công tác tại các trường đại học sư phạm lớn trên cả ba vùng miền của đất nước là Hà Nội, Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều thầy cô trong số đó từng là giáo viên phổ thông hoặc hiện vẫn tham gia giảng dạy, thỉnh giảng tại các trường phổ thông.
Chính những trải nghiệm trong quá trình biên soạn sách giáo khoa, cũng như trong các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên đã giúp đội ngũ tác giả tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Những kinh nghiệm đó không chỉ góp phần hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mà còn phục vụ thiết thực cho việc xây dựng tài liệu giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá,… trong đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm.

Từ trái qua phải lần lượt là: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Huy Dũng (Chủ biên); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh (Tác giả); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hải Phong (Tác giả). Ảnh: NVCC
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh cũng bày tỏ: “Với cá nhân tôi, ấn tượng sâu sắc nhất trong quá trình tham gia biên soạn sách có lẽ là những lần quyết liệt thuyết phục Tổng chủ biên, Chủ biên và nhóm tác giả, cũng như Nhà xuất bản cho phép giữ lại phần lớn hệ thống chú giải các văn bản cổ nhưng không thành công.
Nhiều tác phẩm bắt buộc trong chương trình là văn bản cổ, không ít trong số đó có dung lượng khá lớn. Vì mong muốn giáo viên và học sinh có được ngữ liệu hoàn thiện, trọn vẹn nhất có thể để phục vụ cho yêu cầu đọc hiểu, nên với một số văn bản được phân công, tôi đã cố gắng tham khảo nhiều nguồn để chú giải cho những văn bản, tác phẩm này.
Ví dụ, với Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (Ngữ văn 10, tập 2), bản thảo đầu tiên mà tôi gửi nộp có số lượng chú giải lên tới hơn 250 mục. Tuy nhiên, sau nhiều lần góp ý, thảo luận và điều chỉnh, con số này cuối cùng chỉ còn lại 98 mục. Không chỉ bị rút gọn về số lượng, phần lớn các chú giải cũng buộc phải được chỉnh sửa, tinh giản gần một nửa dung lượng so với ban đầu.
Dù có đôi chút tiếc nuối, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi việc đảm bảo nội dung phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh luôn là nguyên tắc hàng đầu trong biên soạn sách giáo khoa. Thêm vào đó, việc cần giảm số trang để giảm tối đa giá thành sách giáo khoa cũng là yếu tố được đưa vào để cân nhắc”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện, sách giáo khoa Ngữ văn có nhiều thay đổi so với trước đây, cả về cấu trúc nội dung, lựa chọn ngữ liệu và hình thức tổ chức bài học.
Quá trình lựa chọn các tác phẩm văn học để đưa vào sách giáo khoa cũng được thực hiện dựa trên những nguyên tắc và tiêu chí cụ thể nhằm đảm bảo tính khoa học, giá trị giáo dục và sự phù hợp với đối tượng học sinh phổ thông.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh, sách giáo khoa Ngữ văn mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới so với sách giáo khoa biên soạn theo chương trình cũ 2006. Điểm đổi mới đáng lưu ý nhất và cũng là điều mà đội ngũ tác giả tâm đắc nhất là sách giáo khoa mới được biên soạn theo mô hình phát triển năng lực.
Khác với trước đây, sách giáo khoa Ngữ văn mới là tài liệu dạy học giúp giáo viên tổ chức các hoạt động học tập để nhắm đến mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho người học. Chính vì thế, mô hình bài học đã được thay đổi hoàn toàn, mỗi bài học được thiết kế theo các mạch hoạt động: đọc, viết, nói và nghe. Những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe trong chương trình được sắp xếp vào từng bài học; ngữ liệu trong mỗi bài học được lựa chọn phù hợp với các yêu cầu cần đạt của bài học đó.
Như vậy, ngữ liệu trong sách giáo khoa không nhắm đến mục tiêu cơ bản là cung cấp kiến thức về lịch sử văn học như trước đây, mà chủ yếu là chất liệu để thực hành đọc, viết, nói và nghe, qua đó, học sinh đạt được yêu cầu mà bài học đặt ra.

Quy trình tổ chức cho học sinh thực hành đọc, viết, nói và nghe trong sách giáo khoa mới cũng đã có những thay đổi rất căn bản. Qua những hoạt động thực hành đó, học sinh học được cách thức, phương pháp để đọc, viết, nói và nghe hơn là ghi nhớ những nội dung cụ thể.
Và để đáp ứng yêu cầu về ngữ liệu trong sách giáo khoa, các văn bản được chọn cũng phải đảm bảo một số tiêu chuẩn về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật và các mối tương quan do chương trình quy định. Chẳng hạn, tương quan giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học của dân tộc Kinh và văn học của các dân tộc ít người,…
Trong quá trình tham gia biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn, đội ngũ tác giả mang theo nhiều trăn trở, suy tư và cả những kỳ vọng về một bộ sách có thể truyền cảm hứng học tập và nuôi dưỡng tâm hồn học sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh chia sẻ rằng: “Những trăn trở và suy tư luôn gắn liền với những mong muốn. Ở đây, điều chúng tôi muốn nói không phải là triết lý hay định hướng giáo dục một cách chung chung, mà là cách những định hướng đó được cụ thể hóa trong từng bài học Ngữ văn.
Việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực đặt ra nhiều yêu cầu đồng bộ, trong đó sách giáo khoa phải là phương tiện tổ chức hoạt động dạy học một cách hiệu quả và là cầu nối quan trọng, góp phần định hướng quá trình dạy và học Ngữ văn trong nhà trường”.

Đồng thời, thầy Minh nêu khái quát một số tiêu chí, tiêu chuẩn mà theo thầy có thể coi là phương châm chỉ đạo việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn các cấp:
Thứ nhất, tiếng nói, chữ viết và văn hóa dân tộc phải được đề cao và cần được coi là trục trung tâm, xuyên suốt, có tính nguyên tắc của mọi cải cách giáo dục môn Ngữ văn. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và áp lực ngày càng lớn của đời sống hiện đại, của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo, tiếng Việt và văn hóa Việt đang đứng trước những thách thức phức tạp, cụ thể là nguy cơ bị suy yếu. Tự chủ tiếng nói, tự chủ văn hóa tức là tự chủ dân tộc. Người biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn phải ý thức sâu sắc về điều này.
Thứ hai, việc tiếp nhận giá trị nhân văn của văn chương nhân loại không nằm ngoài mục tiêu làm phong phú và hiện đại hóa nền ngữ văn dân tộc. Tinh hoa giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc thấm đẫm trong văn chương nước nhà, cần phải chuyển vận được những giá trị ấy vào đời sống học đường, vào đời sống đương đại. Qua đó, học sinh sẽ sáng tạo ra tri thức mới và biến chúng thành các giá trị sống tích cực.
Thứ ba, tri thức ngữ văn quyện hòa với năng lực ngữ văn, không có năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học chung chung. Tri thức ngữ văn phải gợi mở cho người học Ngữ văn tự học được cách khám phá bản thân mình, khám phá tâm hồn mình. Giờ học Ngữ văn, với sách giáo khoa là cầu nối, không nên bị công thức hóa, bị xơ cứng, mà phải giữ được chất văn, hồn văn.
Yêu cầu đổi mới, đột phá, hiện đại trong dạy học Ngữ văn cũng như biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn, không đồng nghĩa với công nghệ hóa, kỹ thuật hóa,… mà cần đổi mới một cách có chiều sâu, cần giữ được “hồn cốt” của môn học này.
Thứ tư, sách giáo khoa Ngữ văn là tài liệu có tính công cụ, cần lấy học sinh làm trung tâm, qua đó phải giúp học sinh tự có khát vọng và tự định hướng mình trở thành một người như thế nào sau mỗi bài học, qua mỗi trang văn. Giáo dục Ngữ văn, nói một cách hình ảnh, chính là hành trình tìm kiếm, khơi dậy và đánh thức những hạt mầm nhân sinh, hạt mầm tri thức trong tâm hồn và trí tuệ người học. Với những người làm giáo dục, niềm hạnh phúc lớn lao và thiêng liêng nhất có lẽ chính là được xã hội tin tưởng trao gửi trách nhiệm, để rồi mỗi ngày được dõi theo, đồng hành cùng sự nảy nở và trưởng thành của những hạt mầm ấy trong từng thế hệ học sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Minh cũng bày tỏ rằng, việc sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Kết nối tri thức với cuộc sốngđược sử dụng rộng rãi, được đông đảo giáo viên và học sinh yêu thích, mở đường cho những đổi mới về dạy học Ngữ văn ở nhà trường trên khắp cả nước trong mấy năm qua, đối với đội ngũ tác giả là nguồn động viên to lớn, không có gì so sánh được.
Thầy Minh cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ học sinh đã và đang sử dụng bộ sách giáo khoa Ngữ văn này rằng: “Các bạn là người hạnh phúc vì mỗi ngày được thầy cô, được nhà trường đồng hành để cùng trau dồi khả năng sử dụng tiếng Việt thân thương, được khám phá các giá trị của ngôn ngữ và văn học. Qua đó, các bạn được làm mới chính mình và tạo nên những giá trị sống cao đẹp”.