Tái hiện ký ức kiều bào đầu thế kỷ 20

Từ một câu hỏi 'Tôi là ai', họa sĩ Pháp gốc Việt Clement Baloup đã bắt đầu hành trình tìm kiếm câu chuyện của Việt Kiều lao động ở thế kỷ trước.

 Họa sĩ Clement Baloup tại buổi ra mắt hai cuốn tiểu thuyết đồ họa Lính thợ và Chân đăng sáng ngày 11/5. Ảnh: Đức Huy.

Họa sĩ Clement Baloup tại buổi ra mắt hai cuốn tiểu thuyết đồ họa Lính thợ và Chân đăng sáng ngày 11/5. Ảnh: Đức Huy.

Trong thế kỷ 19, nhiều làn sóng di dân đã diễn ra, từ đó hình thành những cộng đồng người Việt hải ngoại tại các nước như Mỹ, Pháp... Là một người lớn lên trong gia đình có bố làm lao động Việt Nam xa xứ, họa sĩ Clement Baloup cảm nhận tiếng nói của lớp người này. Chính vì vậy, ông đã ghi lại trong bộ sách Memoir of Việt kiều.

Hai tác phẩm tiểu thuyết đồ họa (graphic novel) trong series này - Chân đăng Lính thợ - được giới thiệu trong sự kiện sáng ngày 11/5 bởi Nhà xuất bản Kim Đồng. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình Những ngày Văn học châu Âu 2025.

Câu chuyện của người lao động

Theo lời kể của họa sĩ Baloup, cha ông đến Pháp năm 20 tuổi, làm việc tại Paris rồi rong ruổi qua nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại. Tuổi thơ của họa sĩ Baloup gắn liền với những hành trình theo chân cha, lớn lên giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, nơi dấu ấn thuộc địa Pháp hiện diện rõ rệt. Nhưng phải đến khi theo học tại Trường Mỹ thuật Yết Kiêu ở Hà Nội, ông mới thực sự bắt đầu khám phá căn tính Việt Nam trong chính mình.

Từ những trải nghiệm cá nhân đó, ông Clement Baloup đã lựa chọn graphic novel để kể lại những lát cắt lịch sử mang tính cá nhân và tập thể của người Việt xa xứ. Thay vì đi theo lối kể sự kiện hay số liệu khô cứng, họa sĩ Baloup sử dụng hình ảnh, nét vẽ, biểu cảm, để tái hiện tâm thế con người giữa những khúc quanh lịch sử.

Không gian trưng bày các bức phác thảo và cuốn tiểu thuyết của họa sĩ Baloup.

Không gian trưng bày các bức phác thảo và cuốn tiểu thuyết của họa sĩ Baloup.

"Tôi chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, thông qua hình vẽ để kể ra một chiều kích của lịch sử, từ đó người đọc tự suy ngẫm ra ý nghĩa sâu sắc của nó. Graphic novel cho phép tôi tái hiện không gian, tâm lý và sự lựa chọn của con người trong dòng chảy lịch sử", ông Baloup nói.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là cuốn sách Chân đăngLính thợ trong bộ Memoir of Việt kiều. Dù phản ánh hai đối tượng khác nhau, sách đều nói về những số phận người Việt bị cưỡng ép đi lao động tại các vùng thuộc địa Pháp hoặc bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, di dân. Họ không phải là những anh hùng trong sách sử, họ là những con người bình thường, sống trong mâu thuẫn, dằn vặt và đầy thương nhớ. Có người ở lại vì tình yêu, có người ra đi vì giấc mơ đổi đời, có người không bao giờ trở về.

Với ông, kể lại những câu chuyện này là nghĩa vụ đối với ký ức. "Nếu không được ghi lại, những phần lịch sử ấy sẽ dần phai nhòa", tác giả tiểu thuyết đồ họa Lính thợ cho biết.

Trong quá trình sáng tác, Clement Baloup đã phỏng vấn hàng chục người, nhưng chỉ chọn ra vài lời thoại điển hình để thể hiện nhân vật một cách sâu sắc và súc tích. Với ông, graphic novel không phải là nơi thể hiện quan điểm hay cảm xúc giận dữ của bất kỳ cá nhân nào. Đó là không gian cho sự lắng nghe, thấu cảm và suy ngẫm.

Ông muốn để người đọc tự mình tìm ra những lớp nghĩa ẩn sau mỗi khung hình, mỗi đoạn hội thoại. Dù gặp không ít khó khăn, tác giả tiểu thuyết Lính thợ vẫn kiên định với con đường của mình, vẽ nên một chiều kích khác của lịch sử, nơi mà ký ức cá nhân có thể soi chiếu cả thân phận lớp người.

Khả năng biểu đạt sáng tạo của tiểu thuyết đồ họa

Bên cạnh câu chuyện về người lao động, các diễn giả tại buổi ra mắt sách còn bàn về khả năng biểu đạt sáng tạo của tiểu thuyết đồ họa. Đối với độc giả Việt Nam, dòng sách này chưa được đông đảo độc giả biết tới, tuy nhiên, tiềm năng của nó không thể phủ nhận.

Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long, tiểu thuyết đồ họa không đơn thuần là các ấn phẩm dành cho thiếu nhi như nhiều người từng lầm tưởng, đây là hình thức tự sự có khả năng “bù đắp cho những hình thức tự sự khác” nhờ sự kết hợp giữa hình ảnh, màu sắc và chiều sâu suy tưởng.

 Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long (ngồi giữa) tại buổi ra mắt sách.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long (ngồi giữa) tại buổi ra mắt sách.

“Trong bối cảnh văn học di dân và các cộng đồng bên lề phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ và khó khăn trong việc cất tiếng, hình thức tiểu thuyết đồ họa mang lại cơ hội để kể lại những câu chuyện riêng tư một cách sống động, dễ tiếp cận với nhiều tầng lớp độc giả.

Các họa sĩ như Clement Baloup, Hải Anh (tác giả của tiểu thuyết Sống) đã sử dụng thể loại này để đưa người đọc đi sâu vào những lát cắt của lịch sử mà văn bản thuần túy khó lòng khắc họa đủ đầy”, ông Lê Nguyên Long cho biết.

Họa sĩ Clement Baloup chia sẻ thêm rằng tiểu thuyết đồ họa có thể “tái hiện được tâm thế, cách xử sự của con người lúc đó” bên cạnh việc khắc họa sự kiện lịch sử. Bằng hình ảnh, tác giả có thể ghi lại không gian sống, biểu cảm, lựa chọn và trạng thái tinh thần của nhân vật trong một thời đại cụ thể.

Những trang truyện của về người lính thợ Đông Dương, về các thanh niên Việt ở Tân Caledonia hay chuyện tình yêu với người Pháp giữa chiến tranh… không đơn thuần là ghi chép lịch sử. Qua đó, tác giả muốn đem tới cách nhìn mới về lịch sử trong toàn thể, bao gồm những vùng xám, sự mơ hồ, hoài nghi và cả sự dằn vặt.

Ở đó, hình họa trở thành một công cụ nhân văn, cho phép người đọc không chỉ hiểu mà còn cảm nhận được quá khứ. Chính vì vậy, tiểu thuyết đồ họa là một cánh cửa sáng tạo mạnh mẽ, đặc biệt với những người muốn kể lại những trải nghiệm bị lãng quên bằng một ngôn ngữ có sức gợi vượt qua giới hạn của chữ viết.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-luu-giu-ky-uc-lao-dong-viet-kieu-the-ky-20-post1552583.html