Tâm huyết trao truyền di sản

Bằng tài năng và tâm huyết, các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đang nắm giữ, thực hành và trao truyền vốn di sản quý báu của dân tộc cho thế hệ sau. Họ là những 'linh hồn', 'báu vật nhân văn sống' góp phần làm cho di sản ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Tích cực truyền dạy

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), từ năm 2015 đến nay, qua 3 đợt xét tặng, toàn tỉnh có 38 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT); 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) thuộc các loại hình: Tiếng nói và chữ viết của người Việt, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Những người này đại diện cho hàng nghìn nghệ nhân trong tỉnh, có tài năng xuất sắc, cống hiến nhiều công sức trong việc sưu tầm, biên soạn tài liệu và mở các lớp truyền dạy hát dân ca, tiếng nói, chữ viết của dân tộc trong cộng đồng.

 Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thêm truyền dạy hát chèo cho người dân địa phương. Ảnh: Xuân Thanh.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thêm truyền dạy hát chèo cho người dân địa phương. Ảnh: Xuân Thanh.

Điển hình là NNƯT Nguyễn Văn Thêm (SN 1950) ở tổ dân phố 3, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng). Sinh ra và lớn lên tại xã Tư Mại, nơi có truyền thống hát chèo, từ nhỏ, ông đã được truyền dạy những làn điệu chèo cổ. Với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản, ông Thêm đến khắp các miền quê trong huyện gặp gỡ, động viên những người có giọng hát hay, tay đàn giỏi tham gia Câu lạc bộ (CLB) Chèo huyện Yên Dũng. CLB được UBND huyện quyết định thành lập vào năm 2005.

CLB do ông Thêm làm chủ nhiệm thu hút khoảng 30 thành viên sinh hoạt đều đặn vào ngày cuối tuần. Ngoài khôi phục những điệu chèo truyền thống, ông Thêm dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, nắm bắt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của huyện để sáng tác bài hát, viết kịch bản và dàn dựng hoạt cảnh chèo. Đến nay, ông đã sáng tác 48 bài hát, 3 hoạt cảnh chèo ca ngợi Bác Hồ, quê hương Yên Dũng, công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. Ca từ ông viết dễ thuộc, dễ nhớ, đi vào lòng người. CLB thường xuyên tham gia và dành nhiều giải cao ở các liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ của tỉnh.

Từ những làn điệu chèo ấy, hình ảnh vùng đất, con người Yên Dũng được quảng bá sâu rộng, có sức lan tỏa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thêm chia sẻ: “Bao năm qua, tôi và các thành viên của CLB không nghĩ đến thù lao, phụ cấp, có khi còn bỏ tiền túi để chi cho hoạt động. Mỗi người chỉ nghĩ đơn giản muốn góp sức để lan tỏa những làn điệu chèo đến người dân địa phương”.

Cũng nhờ tâm huyết của các nghệ nhân, hầu hết trường học của thị xã Việt Yên đã duy trì được các tiết học dân ca quan họ dành cho học sinh. Không chỉ truyền dạy, nhiều nghệ nhân là chủ nhiệm các CLB dân ca ở thôn, xã tổ chức cho các thành viên đi học hỏi kinh nghiệm, giao lưu ở nhiều nơi nhằm lan tỏa di sản văn hóa trong cộng đồng. Đặc biệt, NNND Phú Hiệp; NNƯT Đăng Nam, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) tích cực tham gia các “canh hát” quan họ truyền thống ở làng cũng như trên các sân khấu nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, cả ở nước ngoài để giới thiệu những nét đẹp của làn điệu dân ca tới công chúng.

Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có ngôn ngữ, tại Lục Ngạn, NNND Nguyễn Văn An, xã Giáp Sơn đã sáng tác và sưu tầm hơn 300 bài dân ca dân tộc Sán Dìu; NNƯT Lâm Minh Sập, xã Kiên Lao sưu tầm hơn 800 bài dân ca Sán Chí và miệt mài truyền dạy. NNƯT Lục Văn Tích ở xã Sơn Hải tích cực dạy hát then - đàn tính cho hàng trăm người dân trong xã và học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Nhiều năm nay, NNƯT Bàn Văn Cường, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) tự sưu tầm những cuốn sách cổ của người Dao, biên dịch sang chữ quốc ngữ để làm tài liệu dạy tiếng dân tộc Dao trong cộng đồng…

Quan tâm khích lệ kịp thời

Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, các nghệ nhân, nhất là những người được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT là “báu vật nhân văn sống", có vai trò quan trọng trong việc nắm giữ, thực hành và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Họ âm thầm giữ lửa, truyền đam mê, khát vọng bảo tồn di sản quý báu của cha ông cho các thế hôm nay và mai sau.

 NNƯT Lục Văn Tích truyền dạy hát Then - đàn tính.

NNƯT Lục Văn Tích truyền dạy hát Then - đàn tính.

Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 40 CLB và hàng chục đội hát chèo truyền thống. Ở lĩnh vực dân ca quan họ, Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ đã được UNESCO vinh danh và 13 làng quan họ hội tụ đầy đủ các yếu tố của làng quan họ truyền thống.

Tháng 12/2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết, ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với NNND và 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với NNƯT.

Để phát huy tốt vai trò của các NNND, NNƯT, ngành chức năng và các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể hỗ trợ các nghệ nhân trong việc trau dồi kỹ năng, thực hành và truyền dạy di sản. UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành Đề án phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. UBND huyện hỗ trợ các nghệ nhân, người có uy tín tham gia giảng dạy tiếng nói, hát dân ca với mức 3 triệu đồng/1 nghệ nhân.

Thị xã Việt Yên có số nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhiều nhất với tổng số 22 người. Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Việt Yên cho biết: Trung tâm tham mưu UBND thị xã có chính sách hỗ trợ đồng thời hằng năm, vào các dịp đặc biệt, UBND thị xã, các phường, xã đều tặng quà để động viên, khích lệ các nghệ nhân.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách chăm lo đời sống, hỗ trợ, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục truyền lửa đam mê. Đặc biệt, tháng 12/2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết, ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với NNND và 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với NNƯT. Khi nghệ nhân mất được hỗ trợ chi phí mai táng với mức 7 triệu đồng. Những chính sách đó thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của địa phương đối với những đóng góp của các nghệ nhân, động viên họ sáng tạo, thực hành, truyền dạy để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tam-huyet-trao-truyen-di-san-091108.bbg