Tầm nhìn, tư duy mới tạo ra cơ hội và giá trị mới cho Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt là công cụ quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển mới.

Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Ảnh: Viết Thành

Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Ảnh: Viết Thành

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, các chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ vui mừng khi Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, đồng thời chia sẻ những trăn trở để đạt các mục tiêu quy hoạch đặt ra.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính: Đòi hỏi tầm nhìn, tư duy đổi mới xây dựng Hà Nội đột phá hơn.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, một lần nữa định hướng Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Trong bối cảnh Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, việc thực hiện mục tiêu nêu trên đòi hỏi quy hoạch phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới, xây dựng Hà Nội đột phá hơn và có thể chế quản lý tốt hơn.

Chúng ta đang thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) với những giá trị thiết thực, tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô, trong đó phân cấp, giao quyền cho Hà Nội nhiều hơn, để có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay, đối chiếu với những đặc trưng về phát triển đô thị “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Hà Nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thể chế, hạ tầng, môi trường và hạn chế trong quy hoạch, năng lực quản lý.

Do đó, việc thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới cần chú trọng phối hợp đa ngành, kết hợp với các giải pháp tích hợp để ứng phó với các vấn đề kinh tế - xã hội. Giải pháp quy hoạch cần phải thích ứng, linh hoạt để thúc đẩy thực hiện quy hoạch nhanh chóng, đúng kế hoạch và đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội cần một chương trình phát triển đô thị chủ động và hợp lý, tập trung phát triển từng bước theo không gian, trình độ, lựa chọn các bước đi phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn; có cơ chế chính sách huy động nguồn lực và định hướng đầu tư, quản lý hiệu quả…

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm:Thời cơ nghìn năm để phát triển Thủ đô xứng tầm

Tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm.

Quy hoạch Thủ đô chính thức được phê duyệt là điều mà người dân Thủ đô mong chờ lâu nay. Đây thực sự là tin vui đến với Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh năm 2024 sắp khép lại, Hà Nội đang khẩn trương triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để Thủ đô vững bước cùng đất nước phát triển nhanh, bền vững, trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Hà Nội vừa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Trong suốt 70 năm ấy, quy hoạch luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả nước và thành phố Hà Nội quan tâm. Kết quả về công tác quy hoạch của thành phố được đánh giá là nổi trội, đồng bộ và khoa học. Đã có 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt.

Hiện chúng ta còn chờ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là thời cơ nghìn năm có một để phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới. Cả 2 quy hoạch đã được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, cập nhật thông tin và cơ bản bám sát nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố, trong đó, đã đề xuất các nội dung về phân vùng thực hiện, tiến độ, lộ trình, nguồn lực, các khu vực trọng tâm, trọng điểm phát triển, các khu vực cần bảo tồn…, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn để đề xuất Thành ủy xem xét, thông qua, sau khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Tư duy Thủ đô mang tính bao trùm, lan tỏa và quy tụ.

GS. TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

GS. TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Quy hoạch Thủ đô là định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn cho Thủ đô, để Hà Nội đại diện cho cả quốc gia, xứng tầm với Thủ đô các nước trên thế giới.

Quy hoạch được đề xuất dựa trên các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh và hiện đại, với triết lý phát triển: “phát sáng nhân tài; khai phóng trí tuệ; lan tỏa nhân văn; hòa điệu thiên nhiên và tiến cùng thời đại”.

Đặc biệt, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “Tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tôi muốn nói cụ thể hơn, tư duy Thủ đô đồng nghĩa với yêu cầu về tư duy lập một quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, cho cả quốc gia chứ không phải là quy hoạch cho một địa phương. Do đó, tất cả những gì tinh túy, cần phát triển nhất đều phải được thể hiện trong các định hướng phát triển Thủ đô, để Thủ đô trở thành hình ảnh đại diện cho sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia. Chính vì vậy, tư duy Thủ đô được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô là tính bao trùm, lan tỏa và quy tụ được những nét tinh hoa, tinh túy, là đại diện của tất cả các vùng miền đất nước cùng hội tụ về.

Còn hành động Hà Nội, đó chính là phát huy những giá trị tiềm năng, truyền thống của con người Hà Nội, như hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình. Chúng ta phải xây dựng Thủ đô là những không gian văn hóa, phát huy giá trị văn hóa, con người. Những nội dung này phải trở thành hồn cốt đặc sắc của Thủ đô Hà Nội chứ không phải Thủ đô chỉ là yếu tố địa lý, là bộ mặt đô thị văn minh, các công trình hiện đại…

Thủ đô phải là không gian để phát huy các yếu tố giá trị con người và văn hóa và chính yếu tố con người, văn hóa lại trở thành nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô.

Phát triển Thủ đô là cả quá trình chứ không thể đo đếm bằng thời gian ngắn. Quy hoạch Thủ đô xác định tầm nhìn đến năm 2050 Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Lộ trình đó đạt được hay không phụ thuộc vào khai thác quy chế, cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô; đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ của chính quyền Thủ đô, mà còn sự tập trung nguồn lực rất lớn của xã hội để tạo ra đột phá, xứng tầm với nước phát triển vào năm 2045.

Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội Trần Huy Ánh: Cộng đồng xã hội chủ động tham gia và giám sát tiến trình thực hiện

Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - KTS Trần Huy Ánh.

Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - KTS Trần Huy Ánh.

Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt là căn cứ để Hà Nội lập trình, hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra. Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề an ninh nguồn nước. Quy hoạch đã có bước tiến dài trong nội dung này, đặc biệt sau cơn bão số 3 gây thiệt hại về người và của ở vùng núi. Và Đồng bằng Bắc Bộ, nước sông Hồng lên cao, đe dọa an toàn của các khu dân cư và đô thị ven sông...

Trong nội dung Quy hoạch Thủ đô đã ghi rõ: "Không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê; các khu vực chịu ảnh hưởng điều tiết lũ của các hồ chứa lớn phải đảm bảo không gian thoát lũ tương ứng với tần suất theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình… Quản lý và sử dụng bãi sông theo đúng quy định của pháp luật về đê điều và các pháp luật khác có liên quan nhằm đảm bảo khả năng thoát lũ, phát triển không gian xanh, không gian công cộng phục vụ cộng đồng …”.

Đây là cơ sở pháp lý mạnh mẽ để không cho phép đầu tư các công trình xây dựng gây cản trở dòng chảy thoát lũ; đồng thời loại bỏ những ẩn ý thỏa hiệp, buông lỏng quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt làm hành lang thoát lũ - là đất công vĩnh viễn không thể để tư nhân hóa đầu tư, là nông nghiệp sinh thái, con đường di sản, công viên chuyên đề.

Trong Quy hoạch đã đưa ra mục tiêu giao thông đô thị tổng quát: “Hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị kết nối các khu tập trung dân cư , kết nối đô thị trung tâm với trung tâm đô thị mới, kết nối Thủ đô với trung tâm các tỉnh trong vùng”.

Quy hoạch Thủ đô cũng nhấn mạnh: “Phát triển hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại, liên thông các cơ sở dữ liệu lớn… tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số, công dân số và kinh tế số”.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và cuộc cách mạng tinh giảm bộ máy hiện nay, nội dung Quy hoạch càng minh bạch, hiệu quả, khả thi là điều kiện để cộng đồng xã hội chung tay, chủ động tham gia và giám sát tiến trình thực hiện, nhằm loại bỏ những đề xuất chủ quan, phi lý, lãng phí và không khả thi.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tam-nhin-tu-duy-moi-tao-ra-co-hoi-va-gia-tri-moi-cho-thu-do-ha-noi-687354.html