Tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu sang Hà Lan

Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hà Lan ở khu vực châu Á, nằm trong nhóm 20 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Hà Lan.

Phân tích của ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ - Bộ Công thương, giảng viên đào tạo ITC về tiếp cận thị trường cho thấy, không chỉ năm 2024, tốc độ tăng trưởng nhâp khẩu vào Hà Lan của Việt Nam đứng đầu trong bảng nhập khẩu vào EU cả về tỷ lệ phần trăm và giá trị từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Đặc biệt kể từ năm 2022 liên tục phá vỡ những đỉnh cao mới với tốc độ tăng trưởng trên 20%, vượt ngưỡng 11 tỷ USD vào năm 2023.

Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Hà Lan với các mặt hàng xuất khẩu đa dạng, từ đồ điện tử, điện thoại, máy móc, thiết bị cơ khí… cho đến các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm như dệt may, giày dép, nội thất, đồ chơi thể thao, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.

Cơ hội gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng mở rộng khi người Hà Lan rất ưa chuộng các sản phẩm mới lạ

Cơ hội gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng mở rộng khi người Hà Lan rất ưa chuộng các sản phẩm mới lạ

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng tỷ trọng hàng Việt Nam tại Hà Lan vẫn còn khá nhỏ và còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu. Chỉ tính riêng mặt hàng cà phê, ông Đinh Sỹ Minh Lăng phân tích tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan là khoảng 90 triệu USD, trong khi thực tế mới chỉ đạt 51 triệu USD. Ông cho biết thêm mỗi năm quốc gia này nhập khẩu khoảng 756 triệu USD cà phê chưa rang và chưa khử caffein, với mã hàng này từ Việt Nam đang áp dụng thuế suất 0%.

Trong bối cảnh Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ lộ trình của Hiệp định EVFTA và nhu cầu thị trường dần hồi phục đáng kể, cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Cơ hội gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng mở rộng khi người Hà Lan rất ưa chuộng các sản phẩm mới lạ. Các sản phẩm tươi sống nhưng được đóng gói nhỏ gọn, bảo quản lâu cũng đang được ưa chuộng. Người tiêu dùng Hà Lan sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, bà Võ Thị Ngọc Diệp, khuyến nghị Hà Lan, cũng như EU nói chung, là thị trường khó tính với nhiều quy định và tiêu chuẩn cao. Việc không tuân thủ của một hoặc một vài doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam và uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên hướng tới xuất khẩu chính ngạch để không chỉ tiến sâu vào Hà Lan mà còn tiếp cận được nhiều thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính. Hà Lan là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với toàn châu lục.

Để thâm nhập, phát triển bền vững tại thị trường Hà Lan, và rộng hơn là EU, ông Đinh Sỹ Minh Lăng khuyến nghị, doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường, xác định rõ thị trường mục tiêu, các tiêu chuẩn, quy định của thị trường; Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP,...). Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp. Đồng thời xây dựng hình ảnh thương hiệu, tham gia các hội chợ triển lãm, nâng cao nhận biết về thương hiệu, tìm kiếm khách hàng mới, đặc biệt là tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn để nhận được hỗ trợ về thông tin, thị trường và các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Minh Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tan-dung-toi-da-co-hoi-xuat-khau-sang-ha-lan-158408.html