Tân Trịnh phát triển kinh tế vườn hộ theo hướng thực chất

Với “bức tranh” sáng về chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT), người dân trên địa bàn xã Tân Trịnh (Quang Bình) đang tiến tới con đường thoát nghèo không xa. Đây là tiền đề vững chắc để cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu đột phá về xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ông Hoàng Văn Tình, thôn Vén sử dụng nguồn vốn của chương trình cải tạo vườn tạp để phát triển đàn dê.

Ông Hoàng Văn Tình, thôn Vén sử dụng nguồn vốn của chương trình cải tạo vườn tạp để phát triển đàn dê.

Học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi dê trong làng, sau khi được vay vốn 30 triệu đồng từ chương trình CTVT, ông Hoàng Văn Tình, thôn Vén đã mua 6 con dê giống về nuôi. Từ năm ngoái đến nay, đàn dê đã sinh sản được 6 con, hiệu quả thấy rõ. Ông Tình cho biết: “Với một hộ nghèo, bản thân bị thương tật tai nạn lao động như tôi, số vốn vay không lãi đã tạo kinh phí, tiếp sức cho gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống. Trên mảnh vườn trước nhà, tôi đã được xã hướng dẫn, bố trí, sắp xếp quy hoạch lại nơi trồng rau, ao cá, chuồng trại chăn nuôi phù hợp hơn. Vợ chồng tôi đang tính mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn dê vì sẵn nguồn cỏ, nơi chăn thả rộng rãi, dê sinh sản nhanh, giá bán tương đối ổn định và cũng dễ tiêu thụ”.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ốm đau, bệnh tật mang trên mình, năm 2022, chị Hoàng Thị Miện, thôn Vén cũng nhận được vốn vay kịp thời từ chương trình CTVT để phát triển kinh tế vườn hộ. Không chỉ cải tạo, quy hoạch lại toàn bộ mảnh vườn trồng các loại rau, chị Miện còn dùng số tiền vay để mua và nuôi lợn nái sinh sản, thương phẩm, gà đẻ trứng. Theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, đàn lợn được xác định là vật nuôi chính trong phát triển kinh tế của gia đình. Vừa qua, chị xuất bán được 4 lứa lợn, mỗi lứa 7 - 8 con và đạt 20 triệu đồng/lứa. Ngoài thu nhập từ việc chăn nuôi lợn, hàng tuần chị đều thu hoạch rau sạch, trứng gà ra bán ở chợ phiên để có thêm một khoản trang trải cuộc sống. Chị Miện phấn khởi bày tỏ: “Nhờ sự hỗ trợ của chương trình CTVT, tôi đã trả được 25 triệu đồng vốn vay, số còn lại trong năm nay gia đình phấn đấu trả hết. Từ hộ nghèo tôi đã vươn lên hộ cận nghèo, tiến tới thoát nghèo”.

Chị Hoàng Thị Miện, thôn Vén chăm sóc vườn rau sạch.

Chị Hoàng Thị Miện, thôn Vén chăm sóc vườn rau sạch.

Thôn Vén có tổng số hơn 176 hộ dân, trong đó, có 4 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Để Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào thực tiễn, được tiến hành nhanh, thực chất, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện các tiêu chí CTVT, chỉnh trang nhà, khuôn viên vườn, các công trình phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi gọn gàng, ngăn nắp. Bà Ma Thị Luận, Bí thư Chi bộ thôn Vén cho hay: “Ngoài 2 hộ nghèo được tiếp cận vốn vay, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, các cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Dao, Tày, Pà Thẻn trong thôn đã mạnh dạn đầu tư cây, con giống, tạo kế sinh nhai trên những mảnh vườn. Phong trào CTVT hồi sinh những mảnh đất cằn đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bà con nhân dân”.

Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05, đến nay, xã Tân Trịnh có trên 170 hộ tham gia CTVT, với 13 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn. Qua đánh giá, các hộ thuộc đối tượng hưởng thụ chính sách tiếp tục duy trì chăm sóc diện tích vườn cây ăn quả đã trồng, nhân rộng mô hình chăn nuôi dê, lợn, trâu cho hiệu quả kinh tế cao. Thôn Tân Bình được lựa chọn xây dựng thôn kiểu mẫu CTVT. Tuy nhiên, một số hộ vẫn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên. Do đó, cấp ủy, chính quyền xã xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp nối thành quả của chương trình CTVT lồng ghép với các dự án, đề án, chương trình nông, lâm nghiệp trọng tâm để tạo sinh kế lâu dài cho người dân giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển KT - XH trên địa bàn trong những năm tới.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202306/tan-trinh-phat-trien-kinh-te-vuon-ho-theo-huong-thuc-chat-d0e191d/