Tăng cường cải cách hành chính, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu sau hội nghị trực tuyến. Ảnh: Trường Khanh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu sau hội nghị trực tuyến. Ảnh: Trường Khanh

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác CCHC đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 11 dự án luật và nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật và lần đầu đối với 8 dự án luật. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hơn 160 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 44 nghị định. HĐND, UBND cấp tỉnh đã ban hành hơn 1.600 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến CCHC.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 210 quy định kinh doanh, nâng tổng số quy định đã cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.352 quy định. Thực hiện rà soát, ban hành 1.625 quyết định công bố TTHC, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ TTHC. Tỷ lệ hồ sơ, TTHC giải quyết trước và đúng hạn tại các cơ quan hành chính trên địa bàn cả nước đạt hơn 98,4%.

Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, các bộ, cơ quan ngang bộ đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, các tiêu chí thành lập tổ chức phù hợp với quy định tại Nghị định số 101 của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương tiếp tục tinh giảm được 127 biên chế, trong đó có 12 công chức.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức. Trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tham luận, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp để triển khai thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC thời gian qua.

Với nhiệm vụ, giải pháp CCHC trong 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi cho phù hợp. Tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khen thưởng kịp thời các cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vì nhân dân phục vụ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về công vụ. Tích cực đổi mới cách thức, cách làm để giải quyết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai CCHC.

Đồng chí cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện công tác CCHC một cách thiết thực, hiệu quả, có lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về CCHC. Tổ chức rà soát, đánh giá lại công tác CCHC của đơn vị để đề xuất các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Xây dựng kế hoạch để khắc phục các chỉ tiêu giảm điểm, thứ hạng, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC. Thực hiện đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ CCHC; khắc phục việc cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, lòng vòng trong giải quyết công việc. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về CCHC.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các địa phương triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó tập trung vào việc làm giàu dữ liệu; kết nối, khai thác dữ liệu gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96638//tang-cuong-cai-cach-hanh-chinh-bao-dam-thuc-chat-hieu-qua-tren-co-so-lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-lam-trung-tam