Tăng cường đối thoại đưa chính sách đến với người nghèo

Không chỉ là con đường ngắn nhất đưa chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với người nghèo, những buổi tiếp xúc, đối thoại còn là cơ hội để các ngành chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, được chia sẻ những mô hình phát triển kinh tế phù hợp… thêm động lực, nguồn lực cho người nghèo vươn lên.

Quang cảnh hội nghị đối thoại chính sách với hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 tại huyện Gia Viễn. Ảnh: Minh Quang

Quang cảnh hội nghị đối thoại chính sách với hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 tại huyện Gia Viễn. Ảnh: Minh Quang

Gia đình bà Ngô Thị Khanh, ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn mới ra khỏi danh sách hộ cận nghèo vào cuối năm 2023. Tuổi cao, lại đang bị bệnh tim, hành trình thoát nghèo thành công khiến bà Khanh cảm thấy như một giấc mơ đã thành hiện thực. Khi nghe thông tin có buổi tiếp xúc, đối thoại giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với đại diện các ngành chức năng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Gia Viễn tổ chức tại địa phương, bà Khanh hăng hái tham gia. "Dẫu đã thoát nghèo, nhưng nếu không có sinh kế tạo nguồn thu nhập ổn định thì việc tái nghèo có thể sẽ xảy ra vì bản thân tôi sức khỏe kém. Vì vậy, tôi tới buổi đối thoại để được nghe chia sẻ về những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với gia đình mình. Đặc biệt, tôi cũng bày tỏ nguyện vọng và mong muốn được hướng dẫn các thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình"-bà Khanh bày tỏ.

Chị Phạm Thị Phượng, sinh năm 1974, ở xã Lai Thành (Kim Sơn) thuộc diện hộ nghèo. Chồng bị tai biến, mất khả năng lao động từ 3 năm nay, bởi vậy mọi gánh nặng mưu sinh đặt lên vai chị Phượng. Nỗ lực lắm, nhưng chị Phượng cũng chưa thể thoát khỏi diện hộ nghèo. Như tìm một nguồn động viên, chia sẻ, đồng thời với mong muốn được ngành chức năng giải đáp về chính sách, chị Phượng đã chia sẻ câu chuyện của gia đình tại buổi tiếp xúc, đối thoại giữa hộ nghèo với các ngành chức năng.

Kết thúc buổi đối thoại, chị Phượng phấn khởi cho biết: Tôi mong muốn được nghe giải đáp về chế độ chính sách cho chồng tôi. Qua giải thích của ngành chức năng, chồng tôi thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ hàng tháng. Tôi rất phấn khởi. Đặc biệt, tôi còn được hướng dẫn tận tình, cụ thể các thủ tục cần thiết để chồng tôi sớm được thụ hưởng chính sách này của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Khoản tiền hỗ trợ mỗi tháng sẽ phần nào nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình tôi. Bản thân tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh, vượt lên mọi thách thức của cuộc sống. Đã là lần thứ tám, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đại diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người nghèo, cận nghèo quan tâm, tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, từ đó tiếp cận với các chính sách phù hợp để vươn lên thoát nghèo. Các hộ nghèo khi đến với cuộc đối thoại đều mong muốn được tạo "lực đẩy" bằng những chính sách phù hợp với điều kiện của gia đình như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ khám chữa bệnh; mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để phát triển sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH...

Với mỗi câu hỏi cụ thể, người nghèo, cận nghèo đã được đại diện các cơ quan chức năng trả lời tỉ mỉ, thỏa đáng; hướng dẫn các thủ tục để thụ hưởng chính sách nếu thuộc diện bao phủ. Sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức của người nghèo, cận nghèo đã cho thấy hiệu quả của chương trình đối thoại do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hàng năm.

Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh liên tục giảm. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh còn 5.905 hộ nghèo chiếm 1,86% (giảm 0,5% so với năm 2022); 7.207 hộ cận nghèo, chiếm 2,27% (giảm 0,54% so với năm 2022). Các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, tác động trực tiếp đến người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiến tới giảm nghèo bền vững. Nhiều chính sách đặc thù của tỉnh đã và đang được thực hiện đã tạo dấu ấn đậm nét cho công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Điển hình như: Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 07/2023/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 130/2021/ NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 61/2022/NQ-HĐND ngày 27/10/2022 của HĐND tỉnh về việc quy định hỗ trợ kinh phí đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh…

Để góp phần đưa các chính sách mới đến với người nghèo, từ đó phát huy tối đa hiệu quả, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo... trong thời gian tới, hoạt động đối thoại chính sách giảm nghèo sẽ vẫn được xác định là cách làm hiệu quả, đúng hướng.

Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo là một hoạt động được tỉnh ta thực hiện có hiệu quả trong suốt 8 năm qua. Chương trình được tổ chức còn góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… qua đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, đúng trọng tâm, trọng điểm.

Cũng từ những buổi tiếp xúc này, các ngành chức năng nắm bắt được những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Từ đó, có những kiến nghị với cơ quan cấp trên có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người nghèo, cận nghèo sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng triển khai các hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, thực sự tạo được "đòn bẩy" giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-doi-thoai-dua-chinh-sach-den-voi-nguoi-ngheo/d2024061908071373.htm