Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Nhằm ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389) đã triển khai nhiều đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo nhận định của lực lượng chức năng, từ đầu năm đến nay, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn xảy ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là lĩnh vực, hàng cấm, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng thu giữ.

Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng thu giữ.

Thực hiện kế hoạch chuyên đề kiểm tra hàng hóa sản xuất từ nước ngoài giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, Đoàn kiểm tra liên ngành và các đội quản lý thị trường thực hiện kiểm tra 27 cơ sở, phát hiện 7 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, lực lượng liên ngành đã tiến hàn lập biên bản, xử phạt 14,1 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 29,5 triệu đồng.

Đoàn liên nghành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà hàng Đầu bò (Tp Tuyên Quang).

Đoàn liên nghành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà hàng Đầu bò (Tp Tuyên Quang).

Ông Nguyễn Đức Dân, Đội trưởng Đội cơ động quản lý thị trường cho biết, thủ đoạn của các đối tượng thường trà trộn giữa hàng giả, hàng quá hạn sử dụng với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng; sử dụng phương tiện công cộng để vận chuyển hàng hóa; lợi dụng biến động cung cầu, giá cả hàng hóa giữa các vùng, thành thị với vùng sâu vùng xa để tiêu thụ. Hàng hóa nhập lậu vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ các tỉnh giáp biên giới chuyển về hoặc từ Hà Nội, Vĩnh Phúc chuyển lên, chủ yếu thuộc nhóm hàng đồ gia dụng, điện tử, thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay, các ngành thành viên đã tăng cường công tác phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, khống chế các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các đoàn kiểm tra liên ngành đều gắn công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với kiểm tra, xử lý vi phạm.

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Theo thống kê, 11 tháng năm 2019, lực lượng Ban chỉ đạo 389 đã phát hiện và xử lý 1.104 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 18 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.016 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 21,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 2,2 tỷ đồng.

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 cho biết, cuối năm là thời điểm nhạy cảm, các đối tượng vi phạm thường manh động hơn, vì vậy lực lượng 389 sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác nắm bắt tình hình thị trường, cài cắm xây dựng nhân mối, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để xây dựng phương án đấu tranh có hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo, các lực lượng thực thi pháp luật trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng để phối hợp đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, pháo nổ, sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/tang-cuong-phong-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-125456.html