Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài

BHG - Phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) phát triển sâu rộng tới từng khu dân cư với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, phù hợp; số gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập ngày càng tăng nhanh về số lượng và chất lượng... là những điểm nhấn nổi bật sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức rõ công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục và KHKT. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW phù hợp với tình hình thực tiễn. Nổi bật, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã vận động hội viên tham gia phong trào “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”; trong 5 năm qua, các cấp Hội đã thành lập 178 câu lạc bộ như: “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật và đời sống”; triển khai cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” với 3.734 nhóm, 15.639 hội viên tham gia; mở 310 lớp xóa mù chữ cho 5.202 hội viên.

Hội Khuyến học huyện Hoàng Su Phì khen thưởng học sinh vượt khó, học giỏi của xã Tân Tiến.

Hội Khuyến học huyện Hoàng Su Phì khen thưởng học sinh vượt khó, học giỏi của xã Tân Tiến.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, việc phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Hội Khuyến học và đa dạng các mô hình học tập có bước chuyển biến tích cực. Mạng lưới Hội Khuyến học được phát triển đến từng khu dân cư và hoạt động có chất lượng, gắn với các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập. Tính đến tháng 5.2024, toàn tỉnh có 4.052 hội, chi hội, ban khuyến học; tổng số hội viên 330.909 người, chiếm 35,36% dân số. Ông Hoàng Văn Vương, đại diện Ban khuyến học dòng họ Hoàng thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) cho biết: “Để phong trào KHKT thực sự phát huy hiệu quả, Ban khuyến học của dòng họ đã vận động 100% gia đình trong dòng họ đăng ký danh hiệu Gia đình học tập, tham gia đóng góp quỹ khuyến học đầy đủ. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, dòng họ đều tổ chức gặp mặt để khen thưởng cho các con, cháu có thành tích học tập xuất sắc. Đồng thời, vận động các gia đình tự giác, tích cực tham gia phong trào học tập suốt đời để nâng cao trình độ dân trí và kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Ban khuyến học dòng họ rất tự hào vì đến nay dòng họ có 3 thạc sĩ, hơn 20 cháu đã tốt nghiệp các trường Đại học đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Dòng họ Hoàng nhiều năm liền được công nhận là Dòng họ học tập tiêu biểu”.

Học sinh Trường THCS thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đọc sách vào giờ ngoại khóa.

Học sinh Trường THCS thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đọc sách vào giờ ngoại khóa.

Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo, huy động sự vào cuộc, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học. Năm 2020, tỉnh đã tổ chức phát động xây dựng Quỹ KHKT được trên 18 tỷ đồng, giao cho Sở GD&ĐT quản lý. Đến nay đã chi hỗ trợ cho 3.382 em học sinh xuất sắc, giỏi với số tiền trên 4,3 tỷ đồng; mở 21 sổ tiết kiệm (trị giá 5 triệu đồng/sổ) cho học sinh là “Con nuôi đồn Biên phòng”. Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh và các cấp hội tập trung vận động, quyên góp được trên 55 tỷ đồng; đã chi trên 37 tỷ đồng khen thưởng cho trên 80.800 học sinh, 5.860 giáo viên. Cùng với các đơn vị, đoàn thể, quỹ khuyến học các cấp còn ghi nhận sự đóng góp của con em xa quê có tấm lòng hảo tâm, luôn hướng về quê hương.

Với phương châm “học tập suốt đời”, “cần gì học nấy”, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tại các trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tăng cường phối hợp với các ngành tổ chức các lớp học, tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề với hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Khai thác hệ thống thư viện, nhà văn hóa cơ sở trong công tác khuyến học, tổ chức đưa sách đến với người dân bằng việc triển khai “Nhà sách lưu động”, “thư viện xanh” “thư viện điện tử”... Thông qua đó, giúp người dân tiếp cận với nguồn tri thức, nghiên cứu, tự học, cập nhật kiến thức mới.

Bài, ảnh: YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-khuyen-hoc-khuyen-tai-20c79e9/